27/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Tình hình và công tác phòng, chống bệnh dịch tả Châu Phi
 391
 15/03/2019
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; không lây nhiễm và gây bệnh ở người; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,..), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) báo cáo tình hình và công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cụ thể như sau:

I.    TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI

Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn bền vững theo chuỗi khép kín, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, người chăn nuôi phát triển theo cơ chế thị trường, thúc đẩy chế biến sản phẩm nên sản xuất chăn nuôi trong nước đã tạo ra khối lượng lớn sản phẩm. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức từ 5-6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Các sản phẩm ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu có xuất khẩu (như thịt gà chế biến xuất sang Nhật Bản, thịt lợn xuất khẩu sang Myanmar, lợn sữa xuất khẩu sang Hồng Kông,..). Từ năm 2005 đến nay sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3,0 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 ngàn tấn lên 960 ngàn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn).

Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017. Chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi:

Đối với chăn nuôi lợn nông hộ: Năm 2016, số lượng hộ chăn nuôi lợn của cả nước là 3,4 triệu hộ và hiện nay chỉ còn 2,5 triệu hộ với tổng đàn là 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 49 % tổng đàn và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 42% sản lượng thịt lợn hơi của cả nước.

Đối với chăn nuôi lợn trang trại: Năm 2017, số trang trại chăn nuôi lợn là 10.167 trang trại với tổng số là 14,4 triệu con lợn, chiếm tỷ lệ 51 % tổng đàn và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ các trang trại này chiếm khoảng 58% sản lượng thịt lợn hơi của cả nước.

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào khâu giết mổ, chế biến và kết nối thị trường hình thành các chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn. Điển hình như các chuỗi thịt lợn của các Công ty GreenFeed Việt Nam, Masan, Biển Đông Deheus, Mavin, DABACO, CP Việt Nam,....

Tuy vậy, ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và ATTP chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp,...một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến những bất cập nêu trên là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh và nay là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào nước ta. Tác động của dịch bệnh đối với chăn nuôi nước ta ngoài những đặc tính sinh học nguy hại do dịch bệnh gây ra, còn do đặc thù của điều kiện khí hậu nóng ẩm, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong các khu dân cư càng làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, phức tạp.

Do vậy, vấn đề chủ động tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh từ sớm (ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin dịch bệnh trên lợn) hoặc từ xa là vô cùng quan trọng để bảo vệ đàn vật nuôi, tạo điều kiện phát triển ngành chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

(Đính kèm chi tiết Báo cáo Tình hình và công tác phòng, chống bệnh dịch tả Châu Phi tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, ngày 04/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Ngô Văn Thống - TTKN
Nguồn theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ý kiến bạn đọc