08/05/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Phổ biến chính sách mới
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
 518
 01/11/2023
Ảnh: Khu rừng được trồng từ nguồn kinh phí của chính sách DVMTR

Ảnh: Khu rừng được trồng từ nguồn kinh phí của chính sách DVMTR

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách về cơ chế tài chính, trong đó các bên được hưởng lợi DVMTR có trách nhiệm chi trả cho các bên cung cấp DVMTR. Mục tiêu của chính sách này là tạo ra nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.

Theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, các loại DVMTR bao gồm: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

Năm 2019, để triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, UBND tỉnh quyết định thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang (gọi tắt là Quỹ) tại Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2019 của UBND tỉnh Hậu Giang. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện chức năng huy động, tiếp nhận và quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Hậu Giang theo quy định của pháp luật. Về cơ cấu tổ chức, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh hiện có 01 Giám đốc Quỹ BV&PTR là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 01 Kế toán.

Để hoạt động của Quỹ được hiệu quả, tháng 9 năm 2019, Giám đốc Quỹ BV&PTR ban hành Quyết định số 01/QĐ-QBVPTR ngày 17 tháng 9 năm 2019 thành lập Tổ Giúp việc cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang và đến năm 2021 ban hành Quyết định số 03/QĐ-QBVPTR ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang về việc bổ sung thành viên Tổ giúp việc cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang, gồm 07 thành viên (trong đó, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm làm Tổ trưởng). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Quỹ, giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý các hoạt động của Quỹ theo chức năng, nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2020 đến nay, nhận ủy thác từ các bên hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đã chi trả cho các chủ rừng là tổ chức và hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Diện tích chi trả được quy đổi theo hệ số K, bình quân hàng năm, diện tích được chi trả là hơn 2.500 ha rừng trên toàn tỉnh; gồm 1.320 chủ rừng (trong đó 06 tổ chức là chủ rừng nhóm II; còn lại các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh là chủ rừng nhóm I thuộc các xã, thị trấn có rừng trên địa bàn các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh).

Chính sách chi trả DVMTR được xem là bước đột phá trong việc hỗ trợ kinh phí ngoài ngân sách để bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh, bởi từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước hỗ trợ nay chuyển sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 07 cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng DVMTR (02 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, 05 cơ sở sản xuất công nghiệp) sử dụng nước mặt để điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch, sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR các chủ rừng.

Để thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật, hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động thu, chi tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai. Cùng đó, tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng sử dụng DVMTR phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật.

Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên bước đầu đạt hiệu quả. Hằng năm, các chủ rừng được nhận số tiền tương ứng với diện tích rừng trồng đủ điều kiện được hưởng chính sách theo quy định. Chỉ tính riêng Khu rừng đặc dụng - Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, với diện tích được quy đổi theo hệ số K, đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ chính sách DVMTR tương đương 1.240 ha rừng, bình quân mỗi năm được chi trả trên 600 triệu đồng; số tiền nhận được, Ban Giám đốc khu rừng đặc dụng sử dụng để bảo vệ, chăm sóc rừng và mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, đối với hộ gia đình, cá nhân trồng rừng cũng rất phấn khởi khi nhận được tiền chi trả từ chính sách này giúp có nguồn thu nhập tăng thêm trong năm từ 300.000 – 2.000.000 đồng/hộ gia đình, cá nhân. Từ chính sách chi trả DVMTR, tạo nguồn động lực để người dân bảo vệ rừng tốt hơn và góp phần hỗ trợ có thêm nguồn kinh phí cho người dân phát triển trồng rừng theo hướng quản lý rừng bền vững; đồng thời, ổn định tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh, thực hiện có hiệu quả phòng chống biến đổi biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Để làm tốt hơn nữa công tác này, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức vận hành tốt Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; tăng cường rà soát các loại hình DVMTR, đặc biệt các loại hình hiện nay chưa thực hiện thu tiền như các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái; các dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng; …để đàm phán, thỏa thuận, ký kết hợp đồng ủy thác, mở rộng nguồn thu phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác xây dựng phương án và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế đúng thời gian. Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR và giải ngân các nguồn kinh phí kịp thời, đầy đủ; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Phan Thị Cẩm Ướt - Tổ Giúp việc Quỹ BV&PTR tỉnh Hậu Giang
Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc