08/05/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả
 695
 23/03/2020
Ảnh: Mô hình trồng chanh của ông Bút

Ảnh: Mô hình trồng chanh của ông Bút

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về áp dụng máy móc và kỹ thuật mới sang trồng các loại cây rau màu, cây ăn trái khác là một biện pháp quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A đã được xác định là phải có những giải pháp thích hợp sát thực tế và cụ thể ở từng khu vực, từng ấp theo đúng kế hoạch, phải phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Sau 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhiều mô hình sản xuất mới đã được hình thành, đem lại giá trị cao trên mỗi héc ta canh tác, mở hướng làm giàu cho nông dân. Để phát triển bền vững, Trạm khuyến Nông huyên huyện Châu Thành A khuyến khích việc chuyển đổi canh tác gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành vùng sản xuất tập trung.

Chính vì vậy mà thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Tân Phú Thạnh đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Trong đó, người nông dân chuyển sang trồng chanh không hạt, mít thái, rau màu đã cho thu nhập tăng gấp nhiều lần so với cây lúa. Để hiểu thêm vấn đề này, ông Đặng Tấn Bút ấp Thạnh Phú đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng lúa sang trồng chanh không hạt, ông cho biết thêm: “Làm vườn nặng công chăm sóc và quản lý sâu bệnh, sản phẩm làm ra phụ thuộc vào giá cả thị trường nếu mình chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Sau 3 năm tôi lên vườn trồng chanh hiện nay trung bình mỗi tháng với 1,5 ha tôi thu hoạch 3 tấn trái, giá thời điểm hiện nay thướng lái đến tận nhà cân 16.000đ/1kg,  trung bình mỗi tháng tôi thu được 48 triệu đồng, so với làm lúa lời gấp 5 lần”.

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đặc biệt là cây chanh không hạt và đây cũng là loại cây mà địa phương chọn làm cây chủ lực của xã để phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên canh đó cây rau màu và cây mít Thái cũng được chú ý và phát triển. Ông Châu Thanh Kha, ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, cho biết, từ khi ông trồng mít Thái trên diện tích 0.7 ha, khi cây cho thu hoạch mỗi năm ông được lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Trước đó, gia đình ông với 0,7 ha đất lúa năng suất lại kém nên thu nhập gia đình ông rất bấp bênh. Năm 2016, ông quyết định cải tạo diện tích trên trồng mít Thái, giờ mít đã sang năm thứ 4, năng suất khá ổn định, trung bình thu hoạch 12 - 15 tấn/ha/năm.

Thống kê của Tổ kỹ thuật nông nghiệp cho thấy, tổng diện tích thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao là 230 ha, trong đó chuyển đổi mới năm 2019 đạt 115 ha; diện tích vườn cây ăn trái cho thu hoạch trên 100 triệu đồng đạt 65 ha. Nhiều mô hình sản xuất, thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm nông sản đạt chất lượng được tiêu thụ mạnh. Định hướng đúng đắn của xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài đề nghị chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp quan tâm hỗ trợ khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất...

 

Trần Hoàng Vũ
Khuyến nông xã Tân Phú Thạnh, Châu Thành A

Ý kiến bạn đọc