02/05/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng (kỳ 1) - Khảo sát, thu mẫu đất
 51
 15/04/2024
Ảnh: Lấy mẫu phẫu diện điển hình tại vùng trồng khóm

Ảnh: Lấy mẫu phẫu diện điển hình tại vùng trồng khóm

NNHG - Triển khai thực hiện dự án: Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ định hướng sản xuất nông nghiệp, từ tháng 9/2023 đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với nhóm chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ tổ chức 03 đợt khảo sát, thu mẫu đất trên địa bàn 08 huyện, thị xã, thành phố.

Trong đó, đợt 1 và đợt 2 Đoàn chuyên gia đã thu 188 phẫu diện phụ (thu mẫu đất tầng mặt); đợt 3 đã thu mẫu phẫu diện điển hình tại 46 hố đào (mỗi hố đào có kích thước dài 1,5 m x rộng 1,5m x sâu 1,2m và thu mẫu ở 04 tầng đất). Cụ thể:
- Đợt 1: từ ngày 18/9/2023 - 23/9/2023, Đoàn chuyên gia đã khảo sát và thu 94 điểm phẫu diện phụ tại các huyện Long Mỹ (26 điểm), Châu Thành (20 điểm), Châu Thành A (20 điểm) và Vị Thủy (28 điểm).
- Đợt 2: từ ngày 16/10/2023 - 21/10/2023, Đoàn chuyên gia đã khảo sát, thu 94 điểm phẫu diện phụ tại thị xã Long Mỹ (18 điểm), thành phố Vị Thanh (16 điểm), thành phố Ngã Bảy (12 điểm) và huyện Phụng Hiệp (48 điểm).
- Đợt 3: từ ngày 07/3/2024 - 10/4/2024, Đoàn chuyên gia đã khảo sát, thu 46 mẫu phẫu diện điển hình (đất trồng lúa, cây ăn trái, khóm, mía,…) tại các vùng canh tác chủ yếu thuộc các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh. Trong đó,  Huyện Long Mỹ (06 mẫu), Châu Thành (05 mẫu), Châu Thành A (05 mẫu) và Vị Thủy (07 mẫu), thị xã Long Mỹ (04 mẫu), thành phố Vị Thanh (04 mẫu), thành phố Ngã Bảy (03 mẫu) và huyện Phụng Hiệp (12 mẫu).
Các mẫu đất sau khi thu được chuyển về phòng thí nghiệm Trường Đại học Cần Thơ để tiếp tục xử lý và phân tích các chỉ tiêu đánh giá chất lượng về vật lý đất (thành phần cơ giới, tỷ trọng, dung trọng, độ xốp, độ chặt (MPa), ẩm độ đất thể tích cho độ chặt, chỉ số SI, SQ, lượng nước thể tích ở pF2.5, lượng nước thể tích ở pF4.2, Sawc, độ thuần thục đất), hóa học đất (pHH2O, pHKCl, EC (1:2.5) và ECe, chất hữu cơ, CEC, N tổng số, P tổng số, N dễ tiêu, P dễ tiêu, (Na, Ca, K, Mg) trao đổi,  (Na, Ca, K, Mg) hòa tan, Al trao đổi, Fe hòa tan, Fe trao đổi, Ni trao đổi, Mn trao đổi, SO4 hòa tan, % Base bão hòa,  SAR và ESP) và sinh học đất (nhóm vi khuẩn cố định N tự do, nhóm vi khuẩn hòa tan lân, nhóm nấm rễ nội cộng sinh Arbuscular mycorrhiza, cộng đồng vi khuẩn trong đất, vi khuẩn Pseudomonas, vi khuẩn Bacillus, nấm Trichoderma).

Kết quả phân tích sẽ là cơ sở khoa học cho việc định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” và bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; đây cũng là cơ sở để đề xuất chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực nghiệm các mô hình chuyển đổi sản xuất, để khai thác, sử dụng đất có hiệu quả, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khi hoàn thành Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, người dân có thể sử dụng Bản đồ này thông qua App trên điện thoại thông minh, để có giải pháp khoa học và lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp trên từng loại đất ở những khu vực khác nhau./.

Lư Anh Khoa
Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc