Nhằm đánh giá lại kết quả và hiệu quả của mô hình trong quá trình triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Giới thiệu về mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho người dân tham gia mô hình và các nông dân lân cận.
Ngày 30/11/2023, Trạm Khuyến nông Vị Thủy phối hợp với trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, Tổ kỹ thuật xã Vị Thắng tổ chức buổi tổng kết “Trồng nấm rơm trong nhà” tại hộ bà Phạm Thị Mỹ Xuyên, ấp 12, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Tham dự buổi hội thảo có ông Lê Châu Tứ – Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông Phan Văn Bình – trưởng trạm trồng trọt và BVTV huyện Vị Thủy, ông Trần Đình Toản – phó chủ tịch UBND xã Vị Thắng cùng với 20 bà con nông dân trong và ngoài mô hình của 3 huyện thị xã Long Mỹ, Châu Thành A và huyện Vị Thủy tham dự.
Tại buổi tổng kết, đại biểu đã được nghe ông Lê Minh Chiến – tổ triển khai mô hình thông qua báo cáo đánh giá hiệu quả mô hình Trồng nấm rơm trong nhà từ nguồn vốn của trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2023, đồng thời tham gia trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện mô hình.
Ngoài ra nông dân được tham quan thực tế tại mô hình và đặt ra nhiều câu hỏi thảo luận chia sẽ để giúp nông dân thấy được tính hiệu quả của mô hình Trồng nấm rơm trong nhà.
Cũng trong buổi tổng kết mô hình, bà con còn được nghe bà Phạm Thị Mỹ Xuyên chia sẽ kết quả thực hiện của mô hình bà đang thực hiện. Bà cho biết: “Với nhà nấm diện tích 100m2, được sự hỗ trợ từ trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. Hiện tại bà đã trồng xong vụ nấm thứ 3, giá bán nấm rơm là 60.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, bà thu về lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/ 01 đợt chất nấm. Do sản phẩm nấm rơm của bà là nấm sạch nên được thị trường rất ưa chuộng”.
Tham gia tại buổi tổng kết mô hình, ông Lê Châu Tứ phát biểu như sau: “Sau khi thu hoạch lúa xong, nguồn rơm rạ thường được đốt hoặc bỏ luôn tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường. Nhất là khi thâm canh tăng vụ, thời gian cách ly giữa các vụ rất ngắn, chỉ khoảng 20 ngày nên rơm rạ không kịp phân hủy, gây ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ tiếp theo. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng này, trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng mô hình trồng nấm rơm trong nhà, để tận dụng được nguồn rơm, đồng thời giúp bà con tạo được sản phẩm nấm sạch, tạo được công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Đây là mô hình khá hiệu quả, cần được nhân rộng”.
Thông qua buổi tổng kết, đã tạo điều kiện cho nông dân trồng nấm rơm trên địa bàn huyện trao đổi, học tập kinh nghiệm tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nhân rộng mô hình trồng nấm rơm trong nhà.
Hình ảnh khác của buổi tổng kết mô hình Trồng nấm rơm trong nhà
Ảnh: ông Lê Minh Chiến - VCKT phòng kỹ thuật trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang (áo xanh bên trái) đang báo cáo lại kết quả mô hình