25/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Lịch xuống giống vụ lúa Hè Thu 2023
 1839
 20/02/2023
Lịch xuống giống lúa chia làm 02 đợt chính như sau: Đợt 1: Từ ngày 04 - 11/4/2023 (nhằm ngày 14-21/2 âm lịch, tháng nhuận). Đợt 2: Từ ngày 02 - 09/5/2023 (nhằm ngày 13-20/3 âm lịch).

Theo đó vụ lúa Hè Thu 2023 phải đảm bảo diện tích đạt 74.500 ha, sản lượng đạt 461.900 tấn. Trước ảnh hưởng của tình hình rầy nâu lây lan với mật số cao từ lúa Đông Xuân 2022-2023 sang, hiện nay chuẩn bị vào thu hoạch rộ (diện tích trổ - chín 61.787 ha, đã thu hoạch 196 ha) là điều kiện lây lan bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo lịch xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2023 trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Bố trí lịch thời vụ

          Lịch xuống giống lúa chia làm 02 đợt chính như sau:

Đợt 1: Từ ngày 04 - 11/4/2023 (nhằm ngày 14-21/2 âm lịch, tháng nhuận).

Đợt 2: Từ ngày 02 - 09/5/2023 (nhằm ngày 13-20/3 âm lịch).

Đối với các khu vực lúa Đông Xuân thu hoạch sớm, có thể xuống giống từ ngày 06 - 12/3/2023 (nhằm ngày 15-21/2 âm lịch) nhưng phải đảm bảo đủ thời gian cách ly trên 3 tuần để cách ly sinh vật gây hại và tạo điều kiện cho rơm rạ phân hủy nhằm hạn chế ngộ độ hữu cơ cho lúa.

Đối với các xã bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm trên địa bàn của huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và Ngã Bảy: Xuống giống khi mùa mưa bắt đầu.

* Do tình hình thu hoạch lúa Đông Xuân nên khả năng rầy nâu di cư liên tục trong tháng, căn cứ theo tình hình thời tiết, thủy văn thực tế của từng vùng, đồng thời kết hợp việc theo dõi rầy nâu di trú của địa phương để quyết định thời điểm xuống giống hợp lý, đảm bảo né rầy ở các huyện, thị, thành.

2. Cơ cấu giống lúa

- Các giống lúa chủ lực: OM18, OM5451, Đài thơm 8,...

- Các giống lúa bổ sung: Sử dụng một số giống thích nghi với điều kiện tại địa phương và có khả năng chống chịu mặn như ST 24, ST25, OM4496, OM7347,...

3. Các giải pháp thực hiện

- Vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, phơi đất cách ly trên 3 tuần trước khi gieo sạ để đảm bảo thời gian cách ly sinh vật gây hại giữa 2 vụ và để rơm rạ phân hủy nhằm tránh ngộ độc hữu cơ (thối rễ) cho lúa. Khuyến cáo nông dân sử dụng nấm Trichoderma để đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất).

- Sạ hàng, sạ cụm, sạ thưa với lượng giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy. Ưu tiên biện pháp cấy để hạn chế đổ ngã và giúp lúa chống chịu tốt trong điều kiện bất lợi như mưa, bão hoặc hạn mặn.

- Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, SRP (sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), ứng dụng công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu,…

- Hạn chế phun thuốc trừ sâu, rầy đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau.

- Bón phân cân đối giữa đạm - lân - kali, không bón thừa đạm, nhất là trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh.

- Một số biện pháp kỹ thuật có thể áp dụng đối với những vùng sản xuất lúa bị hạn, có nguy cơ bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt để tưới như sau:

+ Đối với các khu vực đất phèn bị xâm nhập mặn, đất ruộng bị khô, tầng phèn có điều kiện hoạt động bà con nông dân cần dự trữ nước ngọt, nước mưa để ngâm trong ruộng liên tục 15-20 ngày, sau đó xả nước 2-3 lần và bón vôi trước khi sạ để hạn chế phèn làm chết lúa giống.

+ Bón vôi 500-1.000 kg/ha ngay đầu vụ và tăng cường sử dụng các loại phân bón có chứa hàm lượng canxi, silic để giúp lúa tăng sức đề kháng và chống chịu với sâu, bệnh, hạn mặn và hạn chế đổ ngã.

+ Sử dụng các dạng phân Urê chậm tan để chống thất thoát đạm trong điều kiện hạn xảy ra.

+ Trong điều kiện xảy ra xâm nhập mặn có thể sử dụng phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng giúp rễ lúa phát triển để hấp thu dinh dưỡng và nước.

(Đính kèm chi tiết thông báo lịch xuống giống vụ lúa Hè Thu 2023)

Ngô Văn Thống - TTKN&DVNN

Ý kiến bạn đọc