29/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Cục Trồng trọt: Một số giải pháp chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2022 các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và ĐNB
 716
 21/04/2022
Thực hiện chỉ đạo theo Thông báo kết luận số 2111/TB-BNN-VP, ngày 07/4/2022 của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 - 2022; triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2022 tại Nam bộ” vào ngày 17/3/2022.

Để chỉ đạo tốt sản xuất cây trồng các mùa vụ trong năm 2022, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ cần quan tâm một số giải pháp chỉ đạo sản xuất như sau:

1. Giải pháp bảo vệ sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2021 – 2022

            a. Cây lúa

  • Tiếp tục chăm sóc và thu hoạch lúa, thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh, phát triển dịch hại trên đồng và có kế hoạch phòng trị kịp thời. Cần đề phòng lốc xoáy, mưa lớn gây đỗ ngã cho lúa trong giai đoạn đầu mùa mưa và khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đã chín, diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm "Xanh nhà hơn già đồng" nhằm hạn chế đổ ngã, rơi rụng, lúa mọc mầm trên bông làm giảm chất lượng lúa gạo.
  • Theo dõi và kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

b. Cây ăn quả

  • Đẩy mạnh giảm giá thành sản xuất thông qua tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường giải pháp tưới nước tiết kiệm,... sản xuất chứng nhận để nâng cao chất lượng sản phẩm.
  • Theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình tiêu thụ các loại trái cây trong nước và xuất khẩu để có kế khoạch sản xuất và tiêu thụ phù hợp.
  • Đối với diện tích cây ăn quả trong vùng ảnh hưởng lũ cần gia cố đê bao, cống bọng đảm bảo vững chắc ngăn lũ và triều cường. Sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, ...) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây.
  • Đối với diện tích trồng mới trong mùa mưa, cần dùng các biện pháp che mưa, chắn gió cho cây.
  • Nếu gặp mưa lũ kéo dài, vườn cây dễ bị ngập úng, cần nhanh chóng rút hết nước ra ngoài vườn cây, tránh bị ngập úng kéo dài.

   2. Thực hiện kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2022

  1. Vụ Hè Thu 2022

- Thời vụ: Thời vụ xuống giống lúa phải tuân thủ nguồn nước cung cấp và tình hình diễn biến các đối tượng dịch hại quan trọng. Tiến độ gieo trồng lúa cần tập trung, nhanh, gọn để tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn nước tưới.

Đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ:

- Vùng thượng: các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang. Xuống giống tập trung trong 2 đợt:

+ Đợt 1: cần tập trung xuống giống trong tháng 4: các vùng có nguồn nước ngọt sớm từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu.

+ Đợt 2: trong tháng 5: các vùng có nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu và nguồn nước từ mùa mưa.

- Vùng giữa: các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, một phần Đồng Tháp, Tiền Giang. Xuống giống tập trung trong 2 đợt:

+ Đợt 1: trong tháng 4: các vùng phía Bắc QLI có nguồn nước ngọt sớm từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu.

+ Đợt 2: trong tháng 5: các vùng phía Nam QLI có nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu và nguồn nước từ mùa mưa.

- Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

+ Xuống giống tập trung 2 đợt trong tháng 4 và tháng 5, khi có nước ngọt tới đâu xuống giống đến đó, vùng bị mặn xâm nhập cần rửa mặn trước khi xuống giống.

+ Một số vùng khó khăn nguồn nước có thể kéo dài thời gian xuống giống chậm nhất đến 10 tháng 6.

Đối với vùng sản xuất lúa 2 vụ: xuống giống vào đầu hoặc giữa tháng 5 và kết thúc trong tháng 6.

  • Cơ cấu giống

+ Nhóm giống lúa chất lượng cao chủ lực xuất khẩu: OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, Đài thơm 8, ... tỉ lệ 55 - 60%.

+ Nhóm giống thơm, đặc sản: ST20, ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20, Jasmine 85, . tỉ lệ 15 - 20%.

+ Nhóm giống chất lượng trung bình: IR50404, OM576, ... tỉ lệ <15% .

+ Nhóm giống lúa Japonica, nếp IR4625, nếp Bè, . tỉ lệ <10%.

  • Một số lưu ý:

+ Đối với những vùng đã thu hoạch Đông Xuân xong cần khẩn trương tiến hành cài ải, phơi đất, cải tạo mặt băng, vệ sinh đồng ruộng.

+ Giảm giá thành sản xuất: Giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha; tăng cường sử dụng công cụ sạ bằng máy, sử dụng máy cấy, sạ hàng. Giảm lượng phân bón hoá học hợp lý và giảm thuốc bảo vệ thực vật hoá học.

+ Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống lúa xác nhận, áp dụng 1 phải 5 giảm, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM), cơ giới hóa các khâu sản xuất, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng, ...

(Đính kèm chi tiết một số giải pháp chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2022 các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và ĐNB)

Ngô Văn Thống - TTKN&DVNN
(Nguồn Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Ý kiến bạn đọc