26/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Khuyến cáo vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn thị xã Long Mỹ
 940
 26/10/2019
Hình: Giống lúa OM 18 thích nghi nhiều vùng đất đặc biệt là vùng đất nhiễm mặn

Hình: Giống lúa OM 18 thích nghi nhiều vùng đất đặc biệt là vùng đất nhiễm mặn

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đỉnh lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nguy cơ về xâm nhập mặn trong mùa khô ở mức sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm. Để tránh thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết mưa, bão, hạn và xâm nhập mặn và đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá đến vụ lúa chính trong năm, bà con nông dân ở thị xã Long Mỹ cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổ chức sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 để đạt kết quả tốt nhất.

Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, trong sản xuất lúa Đông Xuân 2019-2020, bà con cần tập trung các điểm sau:

 1. Thời điểm xuống giống: theo lịch xuống giống của Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, bà con tập trung xuống giống 02 đợt 

- Đợt 1: Thời gian xuống giống bắt đầu từ 18/11/2019 đến ngày 25/11/2019 (nhằm ngày 22/10/2019 đến ngày 29/10/2019 âm lịch). Áp dụng cho những vùng có điều kiện tương đối thuận lợi, diện tích xuống giống đợt 1 dự kiến khoảng 7.301,94ha.

- Đợt 2: Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 15/12/2019 đến ngày 22/12/2019 (nhằm ngày 20/11/2019 đến ngày 27/11/2019 âm lịch). Áp dụng cho những vùng có điều kiện tương đối khó khăn, diện tích xuống giống đợt 2 dự kiến khoảng 2.693,31ha.

- Tùy theo tiến độ thu hoạch lúa Thu Đông 2019 và tình hình rầy nâu di trú, thời tiết, thủy văn trên địa phương, để quyết định thời gian xuống giống phù hợp, trên nguyên tắc rầy vừa chấm dứt vào đèn thì bắt đầu xuống giống.

 - Các xã, phường vùng ven có khả năng bị xâm nhập mặn nên xuống giống đợt 1 để đảm bảo lượng nước ngọt cung cấp cho lúa.

2. Cơ cấu giống

Sử dụng giống xác nhận, giống có chất lượng cao và có khả năng chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết như: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, OM18.

3. Các giải pháp kỹ thuật

- Sau khi thu hoach lúa Thu Đông bà con nông dân nên cài vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng sạch sẻ đồng thời trang bằng mặt ruộng, đánh rảnh nước nhằm hạn chế ngộ độc phèn, hữu cơ, cỏ dại và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ. Bón lót vôi, phân lân hoặc những loại phân có chứa nhiều Silic giúp cho cây lúa có khả năng chống chịu được điều kiện bất lợi thời tiết và một số dịch hại khác.

- Lượng giống khuyến cáo gieo sạ từ 80 – 120 kg/ha, đồng thời áp dụng các biện pháp sạ hàng, cấy máy hoặc sạ thưa.

Hình: Sạ hàng được khuyến cáo đến bà con trong sản xuất lúa

 - Trong khoảng thời gian xuống giống vận động bà con nông dân thường xuyên theo dõi rầy vào đèn. Khi thấy rầy nâu vào đèn có chiều hướng giảm dần bất đầu ngâm ủ giống.

- Áp dụng các biện pháp IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm... vào đồng ruộng nhằm giảm chi phí ngay từ đầu vụ.

 - Thăm đồng thường xuyên phát hiện sớm tình hình sâu, bệnh hại để có biện pháp xử lý khống chế dịch hại đảm bảo năng xuất.

- Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết thủy văn trong khu vực như: mưa, bão, diễn biến hạn, xâm nhập mặn để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trong quá trình xuống giống khi gặp mưa bão kéo dài vận động nông dân ngưng xuống giống (ép giống lại) để tránh bị thiệt hại do mưa bão.

- Khi độ mặn 0,5-1%0 vận động nông dân bế các cống đập không để mặn xăm nhập vào trong ruộng, trữ ngọt các tuyến kênh, mương nhằm phục vụ cho sản xuất.

 

 

Bùi Bích Ngọc
Trạm Khuyến Nông Thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc