19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Phổ biến chính sách mới
Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Nghị Quyết số 05-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030
 1126
 30/06/2022
Với mục tiêu đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững, Hậu Giang xác định đầu tư cho xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp là chính. Để hiện thực hóa điều này, Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01 tháng 6 năm 2022 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nghị quyết rất quan trọng, hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công có đủ phẩm chất, năng lực thi hành công vụ cũng như xây dựng nguồn nhân lực có tay nghề cao, chuyên môn sâu trong khu vực tư thích ứng với nhu cầu lao động của thị trường và xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Nội dung Nghị quyết tập trung một số vấn đề chính như:

1. Quan điểm chỉ đạo

Nghị quyết thể hiện rõ 03 quan điểm chỉ đạo, cụ thể như:

- Thứ nhất, con người là nền tảng, yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Quan tâm phát triển con người góp phần tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nguồn nhân lực có chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Đây là một trong ba đột phá chiến lược thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị của Tỉnh và thu hút nguồn lực ngoài xã hội.

- Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực phải gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, hợp lý về quy mô, cơ cấu, cân đối về nhân lực theo ngành, lĩnh vực, đáp ứng được cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, cải thiện năng suất lao động xã hội góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nhân lực toàn diện, gồm những yếu tố thể lực, tri thức, kỹ năng, hành vi, ý thức chính trị, xã hội theo yêu cầu phát triển con người và hội nhập quốc tế.

2. Các chỉ tiêu thực hiện

Nghị quyết tập trung thực hiện 09 chỉ tiêu quan trọng như:

- Có 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp Tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, được bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo quy định; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định.

- Trình độ sau đại học đạt tỷ lệ: 8% cán bộ, công chức, viên chức các cấp; 25% cán bộ chủ chốt các cấp. Phấn đấu đến năm 2030, trình độ sau đại học tăng thêm 5%.

- Đối với các trường cao đẳng: 100% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo và viên chức quy hoạch chức danh lãnh đạo có trình độ sau đại học, 80% giảng viên, giáo viên có trình độ sau đại học; 40% giảng viên, giáo viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Phấn đấu đến năm 2030, có 85% giảng viên, giáo viên có trình độ sau đại học; 45% giảng viên, giáo viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

- Có 80% cán bộ, công chức, viên chức được cập nhật kiến thức thường xuyên về kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 100%.

- Có 225 sinh viên/vạn dân; tỷ lệ phân luồng học sinh: 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Phấn đấu đến năm 2030, có 250 sinh viên/vạn dân; tỷ lệ phân luồng học sinh tăng thêm 5%.

- Có 95% giáo viên đạt chuẩn; 98% cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia bồi dưỡng theo quy định; 95% cán bộ quản lý, giáo viên quy hoạch cán bộ quản lý có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Phấn đấu đến năm 2030, có 100% giáo viên đạt chuẩn; 100% giáo viên, cán bộ quản lý được tham gia bồi dưỡng theo quy định; 100% cán bộ quản lý, giáo viên quy hoạch cán bộ quản lý có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

- Có 10 bác sĩ/vạn dân; 22 điều dưỡng/vạn dân; 98% người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm y tế. Phấn đấu đến năm 2030, có 12 bác sĩ/vạn dân; 30 điều dưỡng/vạn dân; 99% người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm y tế.

- Có 70% lao động qua đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 80%. Tạo việc làm bình quân mỗi năm 15.000 lao động.

- Cơ cấu lao động trong các khu vực I - II - III đạt tỷ lệ 37% - 30% - 33%. Phấn đấu đến năm 2030, cơ cấu lao động trong các khu vực I - II - III đạt tỷ lệ 30% -37% -33%.

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể như sau:

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực.

- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp.

- Quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp.

- Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất trong xã hội.

- Đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực.

Nghị quyết này triển khai đến chi bộ và tuyên truyền đến Nhân dân. Nghị Quyết có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.

(Đính kèm Nghị Quyết số 05-NQ/TU ngày 01/6/2022 của Tỉnh ủy Hậu Giang)

Nguyễn Văn Linh
Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc