19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Ứng dụng máy sạ cụm trong giảm giống gieo sạ trên cây lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long
 1771
 22/08/2022
Ảnh: Dàn sạ cụm “3in 1”

Ảnh: Dàn sạ cụm “3in 1”

Máy sạ lúa theo cụm có năng suất làm việc cao, kỹ thuật vận hành đơn giản và nhất là ứng dụng máy sạ lúa theo cụm sẽ giúp cho việc giảm khá lớn lượng hạt giống lúa sử dụng, kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế lúa đỗ ngã, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Với kết quả thực tế triển khai trên đồng ruộng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều năm qua, ngày 25/4/2022 mô hình sạ cụm đã được Cục Trồng trọt đưa vào Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL tại Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN.

Máy sạ lúa theo cụm được nhập khẩu từ Hàn Quốc đầu năm 2019. Máy sạ lúa theo cụm có hoạt động sạ tương tự như máy cấy, tạo ra ruộng lúa sạ theo hàng, theo cụm như ruộng lúa cấy.

Đánh giá về mặt chuyên môn, ruộng lúa sạ theo cụm như ruộng lúa cấy, nhưng về mặt hiệu quả kinh tế thì ruộng lúa sạ theo cụm vượt trội hơn hẳn ruộng lúa cấy do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp, giảm được chi phí gieo cấy quá cao. Cũng giống như ruộng lúa cấy, bên cạnh các lợi ích khác, ruộng lúa sạ theo cụm phần nào phát huy được ưu thế của giải pháp canh tác lúa theo hiệu ứng hàng biên nên giúp ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Đánh giá về máy sạ lúa theo cụm, có 3 yếu tố cần xem xét:

Thứ nhất là năng suất làm việc, vì đã nói đến cơ giới hóa thì phải có năng suất làm việc cao để thay thế sức lao động của con người. Ở đây, qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo cụm có năng suất làm việc khá cao. Trong điều kiện bình thường có thể đạt 6 - 8 ha/ngày, gấp đôi năng suất làm việc của các dòng máy cấy hiện nay, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ xuống giống tập trung để né rầy - một yêu cầu của sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Yếu tố thứ hai cần đánh giá là quy trình hoạt động, cách thức vận hành của máy sạ lúa theo cụm có đơn giản không, có phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân không. Về vấn đề này cho thấy: Nếu như máy cấy hoạt động cấy bằng cây mạ, thì máy sạ lúa theo cụm hoạt động sạ bằng hạt giống. Điều đó có nghĩa là máy sạ lúa theo cụm bỏ qua được công đoạn làm mạ khá phức tạp của máy cấy, mà thực hiện hoạt động sạ đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của nông dân.

Yếu tố thứ ba cần xem xét là về lợi ích, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nông dân. Đây được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để người nông dân quyết định việc lựa chọn của mình. Qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo cụm cũng như máy cấy, giúp người nông dân giảm được một lượng giống khá cao, từ 60 – 70% so với tập quán sạ dày hiện nay. Nếu như lượng giống bà con nông dân sử dụng hiện nay phổ biến là 120 – 150 kg/ha thì khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm chỉ sử dụng 40 – 60 kg/ha.

Quan trọng hơn, từ chỗ giảm giống đã kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... Đặc biệt là giảm được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ - chín ở vụ hè thu và thu đông hàng năm.

Đặc biệt, trong việc sử dụng máy sạ cụm có thể chỉ cần đầu tư bộ phận công tác (bộ phận sạ lúa theo cụm) kết nối với máy cày lớn, máy xới nhỏ, máy cấy,… là các loại máy móc đang được sử dụng phổ biến trong vùng. Như thế, người nông dân có thể sử dụng các “cỗ máy ghép” này để vừa có thể làm đất hay cấy, vừa có thể xuống giống theo hình thức sạ cụm tùy theo nhu cầu; mặt khác vừa đáp ứng được việc giảm chi phí đầu tư, vừa tăng thời gian hoạt động của các loại máy nông nghiệp sẵn có, giúp cho việc thu hồi vốn đầu tư được nhanh hơn.

       Ảnh: Dàn sạ cụm gắn trên máy cấy                          Ảnh: Dàn sạ cụm gắn trên máy cày

Điều đặc biệt hơn nữa, là máy sạ cụm còn có thể kết nối thêm bộ phận bón phân vùi và bộ phận phun thuốc diệt mầm tạo thành cổ máy đa năng “3 in 1”, cùng lúc có thể vừa sạ, vừa bón phân vùi và phun thuốc diệt mầm. Kết quả mô hình này tại Châu Phú – An Giang đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẵn so với mô hình sạ cụm bón phân vãi nhiều lần như hiện nay (mặc dù lượng phân bón vùi đã giảm 20% so với qui trình bón vãi).

Ảnh: Dàn sạ cụm “3in 1”                             

Ảnh: Dàn sạ cụm dẫn bộ

Ngoài ra, giàn sạ cụm còn có thể kết nối với máy GĐLH, đồng thời trang bị thêm dàn xới cùng với bộ phận trang mặt bằng và đánh đường nước tạo thành cổ máy đa năng “4 in 1”, cùng lúc có thể vừa xới đất lần 2, vừa làm mặt bằng, đánh đường nước, vừa sạ.   

Với những ưu thế và tính năng tiện lợi trên, có thể nói máy sạ lúa theo cụm hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để có thể đưa vào phục vụ cơ giới hóa sản xuất lúa vùng ĐBSCL.

Qua thực tế sản xuất từ vụ hè thu 2019 đến nay của nhiều chương trình, dự án ở hầu khắp các địa phương vùng ĐBSCL cho thấy máy sạ lúa theo cụm đã được người nông dân chấp nhận như một thiết bị phục vụ cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả. Người nông dân đã thấy được, việc sử dụng máy sạ lúa theo cụm giúp giảm được lượng giống tối đa trong canh tác lúa, và quan trọng hơn, qua đó giảm được đáng kể lượng phân bón vô cơ, lượng thuốc BVTV sử dụng, đồng thời tăng năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa….

Từ kết quả đáng ghi nhận trên, máy sạ lúa theo cụm đã được Chương trình canh tác lúa thông minh - chương trình phối hợp giữa TTKNQG và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đưa vào xây dựng mô hình trình diễn lồng ghép trong “mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với bến đổi khí hậu”  thực hiện tại các địa phương vùng ĐBSCL từ vụ Hè Thu 2021, với mục tiêu đặt ra là giảm lượng giống lúa sử dụng tại các điểm mô hình.

Qua 03 vụ triển khai đã thực hiện được 40 điểm mô hình sạ cụm:

  • Vụ Hè Thu 2021: Thực hiện tại 04/13 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, với 04 điểm mô hình;
  • Vụ Đông Xuân 2021 – 2022: Thực hiện tại 10/13 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, với 16 điểm mô hình;
  • Vụ Hè Thu 2022: Thực hiện tại 13/13 tỉnh, với 20 điểm mô hình.

Kết quả qua 03 vụ thực hiện ở 40 điểm mô hình trên địa bàn 13 tỉnh vùng ĐBSCL cho thấy, so với mô hình ruộng sạ lan, sạ dày trong sản xuất:

  • Mô hình sạ cụm đã giảm được 60 – 70% lượng hạt giống sử dụng (mô hình sạ cụm sử dụng 40 – 60 kg/ha, bình quân 55 kg/ha  so với lượng giống thực tế sử dụng trong sản xuất 120 – 150 kg/ha);
  • Mô hình sạ cụm đã giảm được 15 – 20% lượng phân bón vô cơ;
  • Mô hình sạ cụm đã giảm được 1 – 2 lần phun thuốc BVTV (bệnh);
  • Mô hình sạ cụm có năng suất lúa tăng thêm 0,5 – 0,8 tấn/ha (8 – 10%);
  • Mô hình sạ cụm có HQKT tăng thêm 2,5 – 3,5 trđ/ha (10 – 15%);
  • Mô hình sạ cụm hạn chế được tình trạng đỗ ngã khi lúa trổ-chín gặp gió, mưa lớn…

Kết quả tại các điểm mô hình khác (ngoài Chương trình canh tác lúa thông minh) cũng cho kết quả tương tự.

Với tất cả các tính năng và lợi thế của ruộng sạ cụm, của máy sạ cụm, có thể nói:

Máy sạ cụm là Tiến bộ kỹ thuật kép, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa nâng cao năng suất và HQKT sản xuất lúa;

Và hơn thế nữa:

+ Máy sạ cụm – “Cách mạng” giảm giống lúa ở ĐBSCL.

Với kết quả thực tế trên, ngày 25/4/2022 mô hình sạ cụm đã được Cục Trồng trọt đưa vào Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL tại Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN.

Máy sạ lúa theo cụm có năng suất làm việc cao, kỹ thuật vận hành đơn giản và nhất là ứng dụng máy sạ lúa theo cụm sẽ giúp cho việc giảm khá lớn lượng hạt giống lúa sử dụng, kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế lúa đỗ ngã, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Tin tưởng trong thời gian tới, cùng với các chính sách tác động của nhà nước, máy sạ lúa theo cụm sẽ được người nông dân sử dụng rộng rãi, diện tích lúa sạ cụm sẽ nhanh chóng được mở rộng, góp phần đẩy nhanh việc cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững./.

    Ảnh: Ruộng sạ cụm 50 kg/ha tại Đồng Tháp                   Ảnh: Ruộng sạ cụm 15 NSS tại Cần Thơ

        Ảnh: Ruộng sạ cụm 30 ngày tuổi tại Viện lúa  Ruộng sạ cụm tại Thủ thừa – Long An

 

Ngô Văn Đây
Nguyên phó trưởng bộ phận thường trực TTKN Quốc Gia tại Nam bộ

Ý kiến bạn đọc