18/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ trái mít.
 1531
 31/10/2022
Ảnh: Phân ủ từ trái mít dùng được phối trộn với đất trồng hoa mai

Ảnh: Phân ủ từ trái mít dùng được phối trộn với đất trồng hoa mai

Hiện nay diện tích trồng mít siêu sớm trên địa bàn huyện Châu Thành A chiếm khoảng 706ha, đa số người dân khi tuyển những trái mít không đạt thường chỉ bỏ lại tại vườn hay bỏ xuống mương sẽ dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh nhất là bệnh thối trái, xì mủ,... và ô nhiễm môi trường. Vì vậy để khắc phục tình trạng này và tận dụng nguồn nguyên liệu loại thải sẵn có từ trái mít thì việc áp dụng mô hình “Ủ phân hữu cơ từ trái mít” sẽ đem lại hiệu quả cao cho bà con. Sau quá trình ủ thành phẩm thu được lượng phân hữu cơ bón cho cây trồng, rau màu,…nên giảm chi phí đầu vào đáng kể và hạn chế sử dụng phân hóa học.

Các bước thực hiện ủ phân hữu cơ từ trái mít:

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu cho 500 - 1.000kg mít

- Mít trái loại thải (mít tuyển trái, sơ đen…) từ 500 - 1.000kg. Nguyên liệu dùng để ủ phân thì kích thước càng nhỏ càng tốt, nguyên liệu có kích thước lớn hơn 20cm thì cần chặt nhỏ lại.

- Phân lân 5 - 10kg.

- Phân Ure 5 - 10kg.

- Tro chấu 1 - 2 bao.

- Phân chuồng 1 - 2 bao.

- Nấm Trichoderma 1 - 2kg

Ảnh: Nguyên liệu được cắt nhỏ để ủ

Bước 2: Chọn nơi ủ phân

Chọn ủ ở những nơi thuận tiện cho việc sử dụng phân sau này. Nơi ủ nên có nền đất nện hoặc xi măng, nơi ủ phải khô ráo, hoặc lót nền đất bằng bạt ni lông. Nên rạch rãnh xung quanh để nước ủ phân chảy vào hố gom nhỏ, tránh chảy ra ngoài khi tưới ẩm quá, có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi không còn sử dụng, diện tích nền khoảng  3m2/tấn nguyên liệu ủ.

Bước 3: Chuẩn bị dụng cụ

Vật liệu để làm mái: Có thể dùng các vật liệu sẵn có như bạt, bao tải, bao nilong, che đậy và các loại lá để làm mái chắn ánh nắng, giữ nhiệt trong khi ủ.

Bước 4: Trộn chế phẩm với nguyên liệu ủ

Tro chấu, phân chuồng; phân lân và phân Ure trộn đều lại để rải lên từng lớp mít.

Nấm Trichoderma hòa vào nước để tưới lên lớp mít.

Hòa tan 1kg Nấm Trichoderma vào 60 - 100 lít nước tùy theo nguyên liệu nhiều hay ít, sau đó chia đều thành 4 - 5 phần và một lượng phân rắc cũng chia thành 4-5 phần.

Rải một lớp mỏng phân đã phối trộn trước.

Sau đó cho một phần nguyên liệu mít chiều cao 30cm vào trong ô chứa, tiếp theo tưới dung dịch nấm lên, rải 1 lớp mỏng phân đã phối trộn.

Tiếp tục cho lớp mít thêm và dung dịch nấm và phân phối trộn lên. Cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành.

Sau cùng tưới dung dịch nấm và phân phối trộn lên bề mặt sau cùng và đậy bạt ni lon lại.

Ảnh: Nguyên liệu được trộn đều với chế phẩm ủ

Bước 5: Che phủ

Sau khi ủ xong, bà con nên đậy đống ủ bằng bạt hoặc nilong, để bảo đảm tốt hơn và tránh ánh nắng trực tiếp, nên che thêm tấm che bằng lá hoặc mái lợp.

Vào mùa đông phải che đậy kỹ để nhiệt độ đống ủ phải duy trì ở mức từ 40- 50 độ.

Ảnh: Che phủ đống ủ

Bước 6: Đảo đều và bổ sung nước và bảo quản

Sau khi ủ vài ngày nhiệt độ của đống ủ tăng lên khoảng 40 - 500C, nhiệt độ này làm cho nguyên liệu ủ bị khô và không khí cần cho hoạt động của vi sinh vật cũng ít dần, vì vậy cứ khoảng từ 25 - 30 ngày tiến hành kiểm tra, đảo trộn, nếu nguyên liệu khô thì đổ thêm nước.

Loại nguyên liệu này thì thời gian ủ có thể đến 90 - 120 ngày.

Phân hữu cơ sử dụng theo phương pháp trên có thể sử dụng để thay thế cho 20 – 30 % lượng phân hóa học hàng năm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đạt hiệu quả lâu dài trong việc cải tạo và giữ gìn chất đất trong nông nghiệp.

Sau khi ủ xong, tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng và sử dụng tốt nhất trong vòng 1 năm.

Ảnh: Phân hữu cơ được ủ từ trái mít 

Nguyễn Việt Kiểu
Khuyến nông thị trấn Rạch Gòi huyện Châu Thành A

Ý kiến bạn đọc