20/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kỹ thuật trồng lan MOKARA cắt cành
 9180
 20/06/2019
Ảnh. Lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành thăm mô hình lan Mokara

Ảnh. Lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành thăm mô hình lan Mokara

Lan mokara thuộc loại phong lan được lai tạo từ ba giống lan khác nhau là Arachnis (lan bò cạp), Ascoentrum và Vanda. Có thể nói giống lan này mang được hết những đặ tính tốt của bố mẹ chúng là có sức sống mạnh mẽ của Ascoentrum và vẻ đẹp từ vanda.

Lan mokara thuộc nhóm hoa đơn thân không có giả hành và thân mọc cao lên về phía đỉnh. Lan có chiều cao thân trung bình khoảng 60cm. Thân mọc dài và mang cả lá và rễ. Lá màu xanh non dài hình lòng máng hay hình trụ mọc theo hướng cách nhau ở hai bên thân.Loài lan đặc biệt này có thể ra hoa quanh năm nếu như biết cách chăm sóc tốt. Nhiều nhà vườn trồng tốt mỗi cây lan có thể có ra 6-8 phát hoa một năm. Một số lưu ý khi trồng Lan mokara:

1. Nước tưới: Qua khảo sát trên trên thực tế ở nhiều nơi, Mokara sinh trưởng và phát triển khá tốt trong điều kiện nước có độ pH từ 6 đến 7. Còn nước có độ pH thấp hơn lan mọc yếu (đầu rễ kém phát triển, rễ bị chai cứng, lá không bóng, thường bị nhiều loại nấm bệnh…).

2. Giàn che: Trong điều kiện không có giàn che giảm bớt ánh sáng, Mokara vẫn sống và ra hoa nhưng sinh trưởng kém. Do đó, nhiều vườn che bớt khoảng 50% ánh sáng đối với cây trưởng thành để cây sinh trưởng mạnh và cho phát hoa dài. Riêng đối với lan con (mô) thì che khoảng 70% nắng.

3. Mật độ: Hiện nay, phần lớn các vườn lan đều trồng Mokara thành luống với mục đích cắt cành là chính. Luống được thiết kế hai đầu theo hướng Bắc-Nam để cây nhận được ánh sáng đồng đều. Mỗi luống có 2 hàng. Mỗi hàng cách nhau khoảng 40cm. Trên mỗi hàng, cây này cách cây kia khoảng 40 cm (tùy theo loài có lá ngắn hoặc dài mà tăng hoặc giảm khoảng cách này).

4. Cách trồng:

Trên luống, cây lan được cột chặt vào cây đứng hoặc cây ngang, rể thòng sát mặt đất và lấp chất trồng lên hoặc để rể nằm trên lớp chất trồng rồi nó sẽ từ từ luồn sâu vào. Trong cách trồng này phần thân ở phía dưới nên được vùi vào chất trồng, chúng sẽ ít bị rụng lá gốc. (Chất trồng chính các nhà vườn hiện nay đang áp dụng là vỏ đậu phọng, mụn xơ dừa khô + trấu. Đối với lan con thì dùng xơ dừa lá chính).

Trường hợp trồng trong chậu treo hoặc để trên sạp thì thường dùng than hoặc xơ dừa khô…để cho vào chậu làm giá thể. Có trường hợp đặc biệt chỉ gài vào chậu nhựa, không có chất trồng (được treo như trồng Vanda) nó vẫn tốt.

Nói chung, cách trồng với chất trồng Mokara rất phong phú. Nhưng cách trồng theo luống là phổ biến nhất.

Nhân giống:

Do Mokara là loại đơn thân nên việc nhân giống theo cách thông thường là cắt ngang thân một đoạn (dài hay ngắn tùy theo loài) hoặc tách cây. Nhưng nếu muốn cây lan sau khi bị cắt rời khỏi thân mẹ trong tương lai mọc mạnh thì đoạn rời đó phải có ít nhất 3 tầng rễ.

Sau khi cắt, các vết cắt được dùng vôi bôi vào, phần ngọn được đem trồng như đã trình bày. Trong thời gian đầu có thể che thêm một lớp lưới có diện tích tương đương như luống trồng để hạn chế nắng lúc mặt trời đứng bóng.

Chăm sóc

  • Tưới nước: cách tưới giống như Dendrobium.
  • Bón phân:

Cách bón phân giống như Dendrobium.

+  Tuy nhiên vì từng giai đoạn sinh trưởng của lan Mokara rất khó phân biệt. Do đó, phần lớn các vườn đều căn cứ vào chiều cao của từng loài khi đến tuổi ra hoa mà có cách bón phân phù hợp cho từng giai đoạn. Ví dụ: một số loài Mokara có chiều cao khoảng 50 cm là sẽ ra hoa. Và khi cây chưa đạt đến chiều cao này, ta vẫn bón đạm nhiều hơn.

+  Vì đặc điểm sống của lan Mokara khá “dễ tính” nên trong mọi giai đoạn các nhà vườn thường dùng phân hữu cơ (loại bón lá). Nó giúp cây sinh trưởng rất mạnh và cho phát hoa dài hơn so với khi chỉ dùng có phân vô cơ. Tuy nhiên cần lưu ý là hạn chế phun phân vào đọt cây.

Phòng trừ dịch hại

Bệnh: các loại bệnh thường gặp trên lan Mokara cũng giống như Dendrobium. Riêng về bệnh đốm lá thì trong nhiều dạng đốm, trên Mokara có một dạng khá phổ biến là các đốm lá đen có sọc dài rời rạc. Lâu dần chúng liền nhau dưới lá làm cho lá lan bị suy yếu và vàng rồi rụng. Bệnh này là do nấm Guignardia gây ra. Nên dùng Ferbam hoặc Mancozeb phun ngừa và trị khi bệnh vừa chớm. Trường hợp bệnh nhiều cần phải dùng thêm Topsin.

-   Côn trùng cắn phá, chích hút:

Côn trùng phá hại lan Mokara cũng giống như trên Dendrobium. Biện pháp phòng trừ cũng giống như lan Den.

Ngoài ra, do lan Mokara thường xuyên được bón phân hữu cơ,  mà phân hữu cơ là một trong những môi trường thích hợp cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Vì vậy, khi bón phân hữu cơ nên kết hợp với thuốc ngừa nấm. Trường  hợp không pha chung được thì sau ngày bón phân nên phun ngừa nấm bệnh.

Nguyễn Tấn Đạt
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc