19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Kinh nghiệm xử lý măng cụt ra hoa
 16486
 21/08/2018
Ảnh. Xử lý tạo khô hạn mặt líp măng cụt

Ảnh. Xử lý tạo khô hạn mặt líp măng cụt

Đến ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, không ai không biết đến ông Trần Ngọc Ánh, ông là một trong những người có diện tích trồng măng cụt nhiều nhất trên địa bàn. Với diện tích 1,7 ha và hơn 20 năm trồng măng cụt, ông Ánh đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong xử lý măng cụt ra hoa.

Theo ông Ánh, việc cho măng cụt ra hoa cần chú ý đến khâu quản lý nước, bón phân, chọn đúng thời gian, thời điểm để bán được giá cao. Ông chia sẻ như sau:  

Vào đầu tháng 7 âm lịch tiến hành cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành vượt trong thân để tạo thông thoáng nhằm có ánh sáng chiếu vào. Sau đó dùng chổi quét lá xung quanh gốc và cung cấp dinh dưỡng để cho cây ra đọt đồng loạt (sau 7 ngày cắt tỉa cành): bón phân NPK (20-20-10) mỗi cây từ 1,5- 2kg. Sau khi cung cấp phân khoảng 15- 30 ngày cây sẽ ra đọt, đây là giai đoạn rất quan trọng tạo điều kiện cho cây ra hoa sau này.

Khi cây ra đọt non khoảng 3 -5 ngày phun thuốc trừ sâu vẽ bùa để cho lá phát triển tốt. Quan sát thấy lá chuyển sang lá lụa tiếp tục bón phân lân từ 2-3 kg/cây để tạo mầm hoa cho cây. Sau khi phân lân đã tan hết thì tiến hành song song 2 biện pháp: một là che nilon trên bờ để không cho mưa làm ướt bờ (tạo khô hạn cho cây măng); hai là xiết nước dưới mương phải cách mặt bờ từ 5- 6 tấc.

Đến tháng chạp, quan sát khi lá đã già (màu nâu sẩm hơi héo) thì bắt đầu cho nước vào mương rồi tưới nước cho ướt bờ, sau khi tưới được 7-10 ngày thì bón phân NPK (20-15-15) mỗi cây từ 1-2kg. Sau khi tưới khoảng 15-20 ngày là măng cụt sẽ ra hoa lúc này nên phun thuốc trừ sâu hại.

Ảnh. Ông Ánh quan sát lá măng cụt.

Khi măng cụt đã đậu trái cần chú ý phải bón phân cân đối, không được bón quá nhiều Urê sẽ làm trái non rụng nhiều, chỉ nên sử dụng phân NPK (16-16-16) chia từng giai đoạn (2 tháng sau đậu trái bón mỗi cây 0,5- 1kg, sau đó cứ 1 tháng bón phân một lần khoảng 0,5kg/cây để trái phát triển tốt). Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch từ 5-6 tháng.  

Với kinh nghiệm xử lý này mà năm nay với 230 gốc măng cụt, ông Ánh đã thu về 13,5 tấn trái, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 370 triệu đồng.

Măng cụt là loại cây có giá trị kinh tế cao và ít sâu bênh, nhưng để cho ra hoa sớm bán được giá là khâu rất quan trọng. Vì vậy với kinh nghiệm xử lý măng cụt  của  ông Ánh đã góp phần tăng thu nhập kinh tế cho gia đình và đã chia sẻ cho những hộ trong măng trên địa bàn./.

Nguyễn Việt Kiểu
Khuyến nông thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A

Ý kiến bạn đọc