25/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Vị Thủy: Hiệu quả từ mô hình nuôi Thỏ
 1051
 09/09/2021
Ảnh: Chú Vũ Anh Phong (Ba Thỏ) chăm sóc đàn thỏ của gia đình mình

Ảnh: Chú Vũ Anh Phong (Ba Thỏ) chăm sóc đàn thỏ của gia đình mình

Thỏ là loại động vật gặm nhấm, có ưu điểm dễ nuôi, chi phí cho việc đầu tư chuồng trại, con giống thấp, cần ít diện tích, có thể tận dụng được các phụ phẩm, nguyên vật liệu nông nghiệp như cỏ, lá tự nhiên quanh nhà và tận dụng công lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao, mà con người dễ hấp thụ, hàm lượng protein và nước cao, hàm lượng mỡ lại thấp hơn các động vật khác. Hiện nay, thịt thỏ đang được dùng nhiều ở các quán ăn, nhà hàng trong nước.

Đến thăm mô hình nuôi Thỏ của gia đình chú Vũ Anh Phong, người dân ở đây quen gọi ông bằng cá tên thân thuộc “ông Ba Thỏ”, ở ấp 4 xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy - Hậu Giang được tận mắt chứng kiến một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả thiết thực.

Với khu chuồng trại khoảng trên 50m2, được chia thành 02 dãy, mỗi dãy chú ngăn thành từng lồng, chia lồng thành từng ngăn để nuôi thỏ. Lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách mặt đất khoảng 50 - 60cm. Mỗi một lồng nuôi được trang bị máng đựng thức ăn và dụng cụ chứa nước uống sạch sẽ. Hàng ngày gia đình chú thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tạo độ thông thoáng, sạch sẽ giúp thỏ sinh trưởng và phát triển.

Chú chia sẻ: Sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi, nhận thấy nuôi Thỏ sinh sản và Thỏ thịt cần ít vốn. Cùng với đó là Thỏ có đặc tính luôn sinh sản, ít bị nhiễm bệnh, ăn ít và không kén chọn thức ăn, có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại gia đình như các loại rau lang, rau muống, thậm chí là nhiều loại cỏ dại mọc trong vườn, tinh bột chủ yếu là cám gạo,… lại có giá trị kinh tế cao, là công việc phù hợp với những người lớn tuổi, có sức khỏe kém, không có điều kiện vận động, nên năm 2015, chú Ba quyết định dùng số tiền tiết kiệm của gia đình xây dựng khu chuồng trại nuôi Thỏ trên diện tích đất xung quanh nhà. Ban đầu, chú mua 3 cặp Thỏ giống tại Thành Phố Hồ Chí Minh, con giống được chọn rất kỹ lưỡng.

Chú Ba chia sẽ: “Để có đàn Thỏ như hiện nay, tôi đã trải qua một thời gian dài nghiên cứu, học hỏi thực tế, tài liệu trên sách, báo, internet… và đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của anh em Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy từ khâu chọn con giống, thiết kế chuồng trại, lồng nuôi, kỹ thuật chăm sóc cũng như cách phòng và trị bệnh. Sau thời gian nuôi thử nghiệm và nhân giống thành công, gia đình tôi đã nâng qui mô tổng đàn Thỏ nuôi lên gần 100 con. Trong số này, có 20 con Thỏ cái giống chuyên để sinh sản, 3 con Thỏ đực giống còn lại là Thỏ thịt”.

Chú cho biết thêm “Kỹ thuật nuôi Thỏ không khó nhưng đòi hỏi nhiều khâu tỉ mỉ. Ngoài thường xuyên vệ sinh chuồng trại, Thỏ nuôi còn phải tiêm phòng hạn chế bệnh vặt. Tuy nhiên khâu quan trọng nhất quyết định đến thành bại của mô hình là phải biết chăm sóc “vỗ béo” cho Thỏ giống; biết phối giống cho Thỏ cái và kỹ thuật nuôi con. Thông thường Thỏ cái ở độ tuổi trên 6 tháng là có thể cho sinh sản, con cái cho phối 2 lần, thời gian phối thích hợp nhất vào sáng sớm hoặc chiều tối, từ lúc Thỏ cái phối giống đến lúc đẻ mất 30-35 ngày, mỗi năm, một con Thỏ cái đẻ từ 6 - 7 lứa, trung bình mỗi lứa từ 6 - 8 con. Vòng đời Thỏ sinh sản từ 3 - 4 năm sẽ thay con giống mới. Sau thời kỳ đẻ phải chăm sóc cho Thỏ ăn nhiều hơn để chúng lấy sữa nuôi con. Nuôi khoảng 15-20 ngày Thỏ con được tách ra lồng nuôi riêng, lúc này, thỏ con đạt khoảng 500 gram. Thời gian nuôi Thỏ con từ lúc đẻ đến khi được xuất chuồng mất 3 tháng sẽ đạt trọng lượng 2,3 - 2,5 kg/con”.

Đến nay, qua hơn 05 năm chăn nuôi Thỏ, gia đình chú Ba đã có một mô hình kinh tế với quy mô hợp lý. Chuồng trại chăn nuôi của gia đình chú đã được cải tạo ngăn nắp và hợp vệ sinh, hiện tại ngoài bán Thỏ thịt cho người dân, quán ăn, chú Ba còn bán Thỏ giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn trong và ngoài xã. Với giá Thỏ thịt từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, giá Thỏ giống 130.000 - 150.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi tháng sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chú Ba thu về lợi nhuận khoảng 3 - 4 triệu đồng. Thu nhập từ mô hình chăn nuôi thỏ đã giúp gia đình chú Ba có cuộc sống khá ổn định. Thời gian tới, gia đình chú Ba sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại nhằm đảm bảo nguồn cung tốt hơn cho thị trường, đồng thời sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân mình cho những ai muốn nuôi Thỏ và đam mê với nghề.

Theo anh Lê Vũ Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Vị Thủy cho biết: Thực hiện chuyên đề “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, thời gian qua trên địa bàn xã Vị Thủy đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình là mô hình nuôi Thỏ của gia đình chú Vũ Anh Phong ấp 4 xã Vị Thủy. Với mô hình này đã giúp gia đình chú tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ có kế hoạch cụ thể tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi Thỏ, tạo điều kiện để nông dân của xã phát triển kinh tế hộ gia đình một cách bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Ảnh: Viên chức Khuyến nông huyện thăm và tư vấn kỹ thuật tại mô hình

 

Trần Trí Hiếu
VCKT xã Vị Thủy - Huyện Vị Thuỷ

Ý kiến bạn đọc