29/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Châu Thành: Nhân rộng mô hình hiệu quả chuyển đổi từ đất lúa sang trồng các loại rau màu
 825
 03/04/2019
Ảnh: Mô hình thu hoạch Bí đao của anh Nguyễn Văn Hậu

Ảnh: Mô hình thu hoạch Bí đao của anh Nguyễn Văn Hậu

Hiện nay, xã Đông Phú đã chuyển đổi thành công 14 ha đất lúa 3 vụ sang trồng các loại rau màu như: Dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bí rợ, bí đao… Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Hậu, ngụ ấp Phú Lợi, xã Đông Phú, huyện Châu Thành trồng bí đao, với diện tích 3.000m2, cho năng suất 10 tấn/vụ, thu nhập được 60 triệu đồng.

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, chủ yếu là các vùng đất lúa đan xen trong vườn cây ăn trái, thiếu chủ động nguồn nước sang trồng rau màu các loại, đã giúp nhiều hộ nông dân tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Khi địa phương có Chủ trương chuyển đổi diện tích lúa sang trồng rau màu, đã được nông dân đồng tình hưởng ứng và áp dụng. Đây là năm thứ hai, một số nông dân đã áp dụng mang lại đạt hiệu quả kinh tế cao, được địa phương điển hình như sau:

Vụ Hè Thu năm 2018, được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, hỗ trợ làm điểm trình diễn với diện tích 0,9 ha gồm 2 hộ tham gia trồng thâm canh bí rợ an toàn tại ấp Phú Thọ, xã Đông Phú, nhằm chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại rau màu, với mức hỗ trợ 100% hạt giống, 30% phân hữu cơ, còn lại là người dân đối ứng để thực hiện. Ngoài ra, Tổ kỹ thuật Nông nghiệp còn kết hợp với công ty TNHH MTV Hạt giống Number One thu mua bông bí giá 15.000 đồng/kg và trái bí 7.000 đồng/kg của người dân thực hiện mô hình. Với năng suất đạt 18 tấn trái và 6,5 tấn bông bí/ha, nông dân thu về được 199.000.000 đồng. Mô hình được đông đảo người dân đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Ngay từ đầu năm 2019, Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Đông Phú tiến hành xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Hội Nông dân xã tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật trồng rau màu các loại, chủ yếu chú trọng vào những tổ, nhóm nông dân có đất lúa mới chuyển đổi sang trồng màu và lấy mô hình trồng thâm canh bí rợ an toàn tuyên truyền cho người dân biết để nhân rộng.

Hiện nay, xã Đông Phú đã chuyển đổi thành công 14 ha đất lúa 3 vụ sang trồng các loại rau màu như: Dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bí rợ, bí đao… Sau khi được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật trồng rau màu các loại và được tham quan mô hình thực tế tại địa phương, nên nông dân rất phấn khởi và mạnh dạn tham gia. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Hậu, ngụ ấp Phú Lợi, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đạt hiệu quả với mô hình trồng bí đao, với diện tích 3.000m2 đã thu hoạch trong thời gian gần 20 ngày, cứ cách một ngày thu hoạch một lứa, trung bình mỗi lứa thu được 1 tấn đến nay đã thu hoạch được 10 tấn trái, giá bán giao động từ 5.000 – 8.000 đồng/kg nếu tính trung bình 6.000 đồng/kg gia đình anh Hậu thu về được 60 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí còn lãi được 45 triệu đồng, hiện tại ruộng bí còn thu hoạch được từ 2-4 lứa nữa.

Do địa phương tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, nên việc bán sản phẩm rau màu cũng thuận lợi hơn, có thương lái thu mua tại rẫy giá bán cũng cao hơn các nơi khác. Thành công với mô hình trồng bí đao, anh Hậu phấn khởi cho biết: “Bí đao rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và nhẹ phân bón, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, trồng bí đao khỏe hơn trồng lúa mà lợi nhuận tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của anh Hậu nên chọn loại cây màu thích nghi cho từng mùa vụ và dự đoán thời điểm trồng loại gì có giá ổn định, không cần giá cao chủ yếu là giảm được chi phí sản xuất thì mới lời nhiều, còn chọn thời điểm giá cao mà thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh nhiều thì sản xuất cũng không có lời. Anh Hậu dự kiến sắp tới, sẽ trồng dưa hấu hạt lép Mặt trời đỏ nếu thành công sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dưa hấu”.

Điều kiện của xã Đông Phú, chưa xây dựng được vùng rau màu chuyên canh, do diện tích trồng rau màu nhỏ lẻ, manh mún xen lẫn trong các vườn cây ăn trái. Nên định hướng của xã tập trung tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nhằm giúp nông dân sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao và bền vững cung cấp cho các chợ trong khu công nghiệp và chợ đầu mối tại thành phố Cần Thơ.

Nguyễn Thị Ngọc Tài
Tổ kỹ thuật NN xã Đông Phú, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành

Ý kiến bạn đọc