19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
10 hoạt động nổi bật trong công tác Khuyến nông Hậu Giang năm 2017
 439
 14/02/2018
Ảnh. Tập thể viên chức hệ thống khuyến nông năm 2017

Ảnh. Tập thể viên chức hệ thống khuyến nông năm 2017

Năm 2017 là năm ngành Nông nghiệp nói chung và hoạt động khuyến nông nói riêng phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang vượt qua các khó khăn, thách thức trong thời gian qua, tập trung điều hành tổ chức thực hiện hoàn thành tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, đẩy mạnh các mặt hoạt động khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức có hiệu quả các chương trình, dự án khuyến nông, công tác thông tin tư vấn dịch vụ, đào tạo huấn luyện từ nguồn kinh phí Trung ương, địa phương, giúp phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho nông dân. Trong đó phải kể đến một số hoạt động nổi bật trong công tác khuyến nông, cụ thể như sau:

1. Tổ chức thành công Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp canh tác cây trồng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” và 03 cuộc tọa đàm về Phát triển bền vững cây trồng vật nuôi gắn với xây dựng Nông thôn mới

Diễn đàn KN @ NN đã thu hút 372 đại biểu và nông dân đến từ các tỉnh ĐBSCL, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang trực tiếp thực hiện với sự chủ trì của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia và Sở Nông nghiệp và PTNT. Tại Diễn đàn các nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác để né tránh một phần thiệt hại do thiên tai, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Thông qua diễn đàn cũng giúp cho người dân sản xuất hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong quá trình canh tác nhằm cải tạo môi trường tốt theo hướng bền vững hơn. Ngoài ra UBND tỉnh cũng chỉ đạo TTKN tổ chức 03 cuộc tọa đàm với khoảng 600 đại biểu tham dự: Tọa đàm Phát triển bền vững cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng NTM ở xã Hòa Mỹ; Phát triển bền vững vùng lúa chất lượng cao tăng thu nhập cho nông dân gắn với xây dựng NTM ở xã Vị Bình; xây dựng mô hình tôm lúa bền vững gắn với xây dựng NTM ở xã Lương Nghĩa.

2. Đưa vào vận hành Trang thông tin điện tử “ Khuyến nông Hậu Giang”

Với mục tiêu đẩy mạnh công tác Thông tin tuyên truyền, cung cấp nhanh, kịp thời và chính xác các thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến nông đến bà con nông dân và người xem trong và ngoài tỉnh. Trang thông tin điện tử “Khuyến nông Hậu Giang” có tên miền: www.khuyennonghaugiang.com.vn  chính thức đi vào hoạt động vào ngày 03/7/2017. Sau 6 tháng hoạt động đã có trên 40.000 lượt người xem và truy cập. Hướng tới TTKN sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin, chính sách nông nghiệp, mô hình hiệu quả, KHKT mới, kịp thời để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

3. Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn:

Trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông ký hợp đồng với Chi cục PTNT đã tổ chức giảng dạy 08 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Kết quả có 190 học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Hầu hết sau khi được đào tạo, các học viên có ứng dụng tốt kiến thức được học vào thực tế sản xuất, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho gia đình. Một số mô hình đào tạo nghề hiệu quả như: trồng cây có múi, chăn nuôi heo, gà, vịt theo hướng an toàn sinh học, sản xuất giống lúa chất lượng cao.

4. Thực hiện tốt Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông ký hợp đồng với Ban quản lý dự án thực hiện 98 lớp tập huấn TOF '' Kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm" và 05 lớp nhân giống cấp xác nhận. Đến nay đã có khoảng 920 học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học

5. Tham gia các hoạt động trưng bày, triển lãm tại các kỳ hội chợ

Trong năm, Trung tâm Khuyến nông tổ chức tham gia trưng bày tại tại 06 kỳ hội chợ, triển lãm như: Festival Quốc tế nông nghiệp, hội chợ triển lãm Giống Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hội chợ Nông sản sạch và An toàn, hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet lần thứ 17- năm 2017, hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2017 và hội chợ triển lãm Nông nghiệp Công nghệ cao tiểu vùng Đồng Tháp Mười năm 2017. Qua các kỳ hội chợ, triển lãm, đã giới thiệu được những thành tựu nổi bật của ngành, các nông sản chủ lực của tỉnh như: Bưởi năm roi, chanh không hạt, cam sành, quýt đường, xoài cát Hoà Lộc,… và thông tin danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang.

6. Chuyên mục “Khuyến nông Hậu Giang” trên Đài Phát thanh truyền hình Hậu Giang

Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Đài PTTH Hậu Giang thực hiện 06 kỳ Chuyên mục “Khuyến nông Hậu Giang”. Các kỳ chuyên mục Khuyến nông Hậu Giang đã góp phần truyền tải rộng rãi đến bà con nông dân trong và ngoài tỉnh các thông tin về khuyến nông, chính sách pháp luật và các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp.

7.Các dự án Khuyến nông Trung ương

- Dự án xây dựng mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa: Qui mô 30 ha/vụ, có 45 hộ tham gia tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ,  thực hiện vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2017, năng suất đạt trung bình 5,5 tấn/ha. Nhìn chung bước đầu đánh giá có hiệu quả so với sản xuất truyền thống, chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sạ dày sang sạ thưa, đến nay dự án này đã được nhân rộng.

- Dự án xây dựng mô hình nuôi vịt bố mẹ chuyên trứng TC (Vigrova): Qui mô: 3.600 con/12 hộ, có 12/12 hộ tham gia, tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thuỷ (6 hộ) và xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp (6 hộ). Nhìn chung mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tỷ lệ sống vịt đạt 90%.

8. Các dự án, mô hình khuyến nông từ nguồn kinh phí địa phương

Trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh và một phần nguồn kinh phí đặc thù để xây dựng các dự án, mô hình cụ thể:

Dự án “Sản xuất lúa giống bằng phương pháp gieo cấy máy giảm lượng giống gieo sạ” (45ha); Dự án “Xây dựng mô hình kết hợp (VAC, VACB, VACBR,...) nhằm nâng cao thu nhập cho nông hộ theo hướng bền vững (12 hộ); Dự án “Sản xuất rau màu theo hướng an toàn thực phẩm gắn với sơ chế và đóng gói” (2,5 ha) Mô hình sử dụng nấm Trichoderma và các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa (45 ha); Mô hình trồng nấm rơm bằng phương pháp cải tiến nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế (04 nhà trồng nấm); Mô hình sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp ủ phân hữu cơ bón cho cây ăn trái (40 m3/10 hộ); Mô hình trồng thâm canh cây Mãng cầu xiêm thích ứng với BĐKH (13 ha); Mô hình xây dựng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước trên cây ăn trái, rau màu (10 ha); Mô hình sử dụng túi bao trái cho cây ăn trái hạn chế tái hại của sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trong tỉnh (92.250 túi bao trái);

9. Các hoạt động Đào tạo – tập huấn:

Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 140 lớp tập huấn cho cán bộ Khuyến nông, các Hội đoàn thể và nông dân những tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tổ chức được 02 lớp tập huấn TOT với nội dung “Tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi; Kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm thẻ theo VietGAP ” với 60 học viên tham dự . Ngoài ra, đơn vị thường xuyên cử cán bộ, khuyến nông viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn khác do Trung tâm KNQG tổ chức trong và ngoài tỉnh.

 

Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông cơ sở (huyện, xã) đã tổ chức được 818 cuộc tập huấn, tham quan, hội thảo đầu bờ cho 17.335 lượt người tham dự. Qua đó đã giúp nông dân chăm sóc, quản lý dịch bệnh các đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả hơn, kỹ năng quản lý kinh tế hộ, quản lý câu lạc bộ, tổ hợp tác cũng được nâng cao đáng kể.

10. Công tác Tư vấn - Dịch vụ khuyến nông:

Mạng lưới khuyến nông trong năm đã tư vấn miễn phí được 4.144 lượt nông dân về các nội dung: kỹ thuật bao trái, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng 3 giảm 3 tăng, sử dụng mệm lót sinh học trong chăn nuôi góp phần tăng năng suất giảm giá thành, …. Ngoài ra Điểm TV- DV Khuyến nông đã cung ứng các mặt hàng đạt chất lượng với giá cả phù hợp đến bà con trong năm đã cung ứng được: 130 dụng cụ sạ hàng, 81.000 cái bao trái các loại, 50 lít phân vi sinh, 40 kg men balasa, phân hữu cơ sinh học, 3.000 kg gạo ngon, an toàn, … phục vụ nhu cầu sản xuất cho bà con nông dân trong tỉnh.

 

Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ khuyến nông năm 2018 tập trung theo hướng chủ động, tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bám sát và phục vụ các chủ trương chính sách của ngành. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác Khuyến nông theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, xây dựng các mô hình khuyến nông liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm,  đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đổi mới phương pháp kiểm tra giám sát, chú trọng đến tính hiệu quả và khả năng nhân rộng các mô hình khuyến nông, phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Võ Xuân Tân
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc