26/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
Kỷ niệm 30 năm “Ngày truyền thống 30 năm Ngày thành lập Ngành Khuyến nông Việt Nam 2/3/1993 -2/3/2023” và 20 năm “Thành lập Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang 1/2004 – 1/2024”
 570
 15/03/2023

Ngày 02/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/NĐ- CP về Khuyến nông, hệ thống khuyến nông chính thức được hình thành và phát triển. Trải qua 30 năm hoạt động đồng hành với tiến trình Đổi mới của Ngành nông nghiệp, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh và trở thành một hệ thống khá đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

1. Sự phát triển về tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng lực lượng của hệ thống khuyến nông Việt Nam

Ở Trung ương, giai đoạn 1993- 2004, Cục Khuyến nông - Khuyến lâm thuộc Bộ Nông nghiệp thực hiện cả 2 chức năng quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp và hoạt động sự nghiệp khuyến nông; Vụ Nghề cá thuộc Bộ Thủy sản cũng thực hiện lẫn nhiệm vụ quản lý nhà nước và công tác khuyến ngư. Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2005/NĐ - CP về Khuyến nông, Khuyến ngư, ở trung ương: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập (tách từ Cục Khuyến nông và Khuyến lâm) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến ngư thuộc Bộ Thủy sản. Đến năm 2008, khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia cũng hợp nhất thành Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia.

Ngày 28/6/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2010/NĐ-CP về Khuyến nông thay Nghị định số 56/2005/NĐ-CP, cơ quan Khuyến nông trung ương chính thức là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Mặc dù có sự thay đổi về tổ chức và tên gọi khác nhau theo từng giai đoạn, nhưng tổ chức khuyến nông ở trung ương vẫn liên tục phát triển và là đầu mối thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ khuyến nông đối với hệ thống khuyến nông cả nước. Đầu mối hợp tác với các tổ chức khuyến nông trong khu vực và quốc tế, là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nội dung khuyến nông ở trung ương.

Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Trung tâm Khuyến nông (hoặc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có 596 huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp (chiếm 955 số huyện, thị xã trong toàn quốc) đã có Trạm khuyến nông (hoặc Trạm khuyến nông - khuyến ngư).

2. Quá trình hình thành và phát triển của hệ thống Khuyến nông Hậu Giang

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, được thành lập ngày 15/01/2004 (theo Quyết định số 48/2004/QĐ-UB, ngày 15/01/2004 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang; ngay sau khi tái lập tỉnh Hậu Giang năm 2004).

Năm 2009, đổi tên thành Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang (theo Quyết định số 285/QĐ-UBND, ngày 10/02/2009 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang).

Từ ngày 27/6/2016 đến nay, chính thức đổi tên thành Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang (theo Quyết định số 941/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc đổi tên Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang thành Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang).

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công và đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (gọi chung là khuyến nông) trên phạm vi cả tỉnh Hậu Giang, nhằm hướng dẫn trợ giúp nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm Khuyến nông chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

3. Thành tựu Khuyến nông Hậu Giang sau 20 năm thành lập

a. Hoạt động thông tin tuyên truyền và tư vấn dịch vụ khuyến nông

- Hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và chú trọng nâng cao chất lượng. Hằng năm đều xây dựng và triển khai thực hiện tốt các hoạt động Hội thảo, Toa đàm, Diễn đàn KN@NN,... để trao đổi thông tin, truyên truyền những tiến bộ KH-KT mới và thảo luận, tháo gỡ những vấn đề khó khăn của nông dân trong quá trình sản xuất thực tế. Đây là dịp để “4 nhà” gặp gỡ và trao đổi với nhau, thúc đẩy quá trình phát triển của ngành.  Hằng năm, tổ chức các cuộc tham quan trong và ngoài tỉnh giúp cho viên chức hệ thống và người dân học tập những mô hình hay, kinh nghiệm thực tế áp dụng và sản xuất. Bên cạnh đó, tham gia trung bày tại các kỳ Hội chợ để giới thiệu nông sản Hậu Giang đến với tỉnh bạn. Vận hành trang Web khuyến nông Hậu Giang đến nay đã có hơn 2,4 triệu lượt xem. Nội dung chủ yếu đăng tải là những chính sách, pháp luật mới có liên quan đến ngành, tiến bộ KH-KT mới, mô hình hay và hiệu quả,...thông tin kỹ thuật cũng được cập nhật và chia sẽ trên trang web.

- Hoạt động tư vấn - dịch vụ: hệ thống Khuyến nông luôn tư vấn, hỗ trợ người dân hoàn toàn miễn phí về thông tin kỹ thuật sản xuất. Dịch vụ: cung cấp các mặt hàng thiết yếu và đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương, các sản phẩm cơ giới hoá như máy bay phun thuốc không người lái, vật tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm,...

          b. Hoạt động đào tạo - tập huấn

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho viên chức khuyến nông các cấp và nông dân. Nội dung đào tạo, tập huấn phong phú, sát nhu cầu của đối tượng; Phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới, Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn khuyến nông như đào tạo trực tiếp tại lớp học và hiện trường; đào tạo gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông và internet.

Đồng thời, Khuyến nông Hậu Giang cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các nội dung và hình thức phong phú đa dạng, tạo điều kiện cung cấp thông tin tiến bộ kỹ thuật, cơ chế chính sách, giá cả thị trường kịp thời cho nông dân.

Bên cạnh đó, Tập huấn chuyển giao KH-KT từ các dự án: PAEX, Khí sinh học, Heifer, VnSAT, CL-CB, GIC,… đã giúp cho nông dân Hậu Giang tiếp cận và áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất.

c. Triển khai các mô hình

Phương pháp tiếp cận từ dưới lên: Xuất phát từ nhu cầu của thực tế SX và của nông dân ở từng địa phương, theo từng giai đoạn cụ thể. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình KN trọng điểm nhằm tập trung nguồn lực, theo sự chỉ đạo để thực hiện các mục tiêu chiến lược của tỉnh trong từng giai đoạn. Phù hợp với quy hoạch chung của ngành. Đối tượng triển khai thực hiện bám sát các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Các mô hình nổi bật: Mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, mô hình trồng rau trong nhà lưới an toàn vệ sinh thực phẩm, mô hình ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao...

d. Thành tích Khuyến nông Hậu Giang đã đạt được

Sau 20 năm thành lập và xây dựng hệ thống khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang đã nhận được nhiều giấy khen của Sở NN&PTNT, Bằng khen của UBND tỉnh Hậu Giang và đặc biệt là 3 bằng Khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT các năm 2015, 2020 “Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn”.

- Thành tích cá nhân: Hệ thống Khuyến nông vinh dự có 3 cá nhân được trao tằng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: ông Võ Xuân Tân (GĐ-TTKN&DVNN), Ông Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng Trạm KN huyện Vị Thuỷ), Ông Dương Hiệp (P.TP – HCTH).

Với những thành tích đạt được là động lực và cũng là thách thức không nhỏ để Khuyến nông Hậu Giang, làm tiền đề tiếp tục nổ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Kiều Tiên
Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc