24/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
TTKN&DVNN Hậu Giang: Tổ chức hội thảo đầu bờ trong dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long"
 104
 21/10/2021
Quang cảnh buổi hội thảo đầu bờ

Quang cảnh buổi hội thảo đầu bờ

Ngày 18/10/2021, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo đầu bờ trong dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" cho hơn 60 bà con nông dân và cán bộ khuyến nông trong tỉnh tham dự. Tham dự và chỉ đạo hội thảo có ông Lê Minh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp.

 Diện tích gieo trồng của tỉnh hằng năm là trên 200.000ha và được canh tác vào 3 vụ chính: Đông xuân, Hè Thu và Thu Đông. Tuy nhiên, đa số lượng giống gieo sạ trên toàn tỉnh dao động từ 80-150 kg/ha. Cụ thể lượng giống gieo từ 80-100kg/ha chiếm tỷ lệ 1,6%; Lượng giống gieo từ 100-150kg/ha chiếm tỷ lệ 81,1%, Lượng giống gieo >150kg/ha chiếm tỷ lệ 17,3 %. Với mật độ gieo sạ như thế thì vẫn còn cao và dễ phát sinh sâu bệnh hại trong quá trình canh tác lúa. Việc sạ dày không riêng tỉnh Hậu Giang mà toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thói quen sạ dày, mặc dù có giảm hơn so với những năm trước.

Vì vậy, Bộ nông nghiệp đã ban hành kế hoạch hành động giảm lượng giống và đồng thời kết hợp với cơ giới hóa trong khâu gieo sạ để đẩy mạnh việc giảm lượng giống geo sạ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập và hướng đến việc canh tác lúa bền vững. Để cụ thể kế hoạch hành động đó thì việc thực hiện các dự án về cơ giới hóa trong khâu gieo sạ được thực hiện là nhiệm vụ cần thiết. Do đó, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Hậu Giang là một trong những tỉnh được phân bổ dự án khuyến nông Trung ương do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chủ trì với dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" và được thực hiện trong 03 năm (năm 2020, 2021 và 2022). Năm 2021 là năm thứ 2 thực hiện dự án với quy mô 3 máy cấy dẫn bộ 6 hàng, 31.500 khay gieo mạ và 90ha thực hiện cấy. Đến nay, kết quả của mô hình cho thấy :

 - Về gieo sạ: 100% hộ tham gia dự án canh tác lúa bằng phương pháp cấy với mật độ 50kg/ha đã đăng ký, giảm được lượng lúa giống từ 100 kg/ha so với tập quán cũ. Qua đó, góp phần làm giảm chi phí nâng cao thu nhập cho nông dân.

- Về năng suất: Năng suất lúa tăng hơn so với đối chứng 31,9%, chất lượng sản phẩm đạt theo yêu cầu không có dư lượng, từ đó có thể cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng lợi nhuận.

- Hiệu quả về kinh tế: giúp nông dân tăng thu nhập và chêch lệch lợi nhuận hơn so với đối chứng theo canh tác truyền thống của người dân và tăng hơn 72,8%.

- Đồng thời, do hiệu quả của mô hình mang lại đến nay diện tích lúa cấy đã nhân rộng được hơn 40ha và chiếm tỉ lệ hơn 44,4% so với đầu tư ban đầu trong năm 2021.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu, nơi thực hiện dự án trong năm 2021 cho rằng: Mô hình áp dụng hình thức cấy máy đã mang lại lợi ích cho nhiều hộ tham gia mô hình như: Năng suất tăng hơn so với sạ lan từ 150 kgđến 200kg/ha do lúa vào cuối vụ không bị đỗ ngã, chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp, giá bán cao nên đã mang lại hiệu quả kinh tế gần 30 triệu đồng/ha. Ông Hiện cũng cho biết thêm diện tích hợp tác xã đăng ký cấy máy có thể tăng cao vào vụ Đông xuân tới vì xã viên đã thấy được hiệu quả của mô hình. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm là giá cấy cũng còn khá cao nên một số nông dân vẫn còn e ngại do phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn (gần 5 triệu đồng/ha). Do đó, ông có đề xuất Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ hoặc đề xuất chính sách hỗ trợ công cấy cho người tham gia dân nhằm tăng diện tích cấy để hướng đến giảm lượng giống gieo sạ.

Ông Lê Minh Thắng - PGĐ. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp ghi nhận những nổ lực và nhiệt tình tham gia của bà con nông dân trong thực hiện tốt mô hình và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của dự án đề ra và đã giúp mô hình đạt kết quả tốt. Ngoài ra, ông cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị của bà con và sẽ đề xuất với ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời cũng mong muốn mô hình mạ khay, máy cấy được nhân rộng mạnh trong thời gian tới nhằm giảm lượng giống gieo sạ, để nâng chất lượng và giá trị hạt gạo và hướng tới canh tác lúa được bền vững./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI THẢO ĐẦU BỜ


 

Lê Châu Tứ
Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc