20/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
Huyện Châu Thành: Tổng kết mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, màu an toàn.
 536
 23/12/2020
Ảnh: Toàn cảnh buổi Hội nghị tổng kết

Ảnh: Toàn cảnh buổi Hội nghị tổng kết

Ngày 15 tháng 12 năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành tổ chức tổng kết mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu an toàn” trên cây dưa lưới tại hộ ông Trương Quốc Phong ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện, những hiệu quả và lợi ích mang lại của mô hình sản xuất rau, màu an toàn. Trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm; Đánh giá khả năng nhân rộng của mô hình trong thời gian tới. Ngày 15 tháng 12 năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành tổ chức tổng kết mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu an toàn” trên cây dưa lưới tại hộ ông Trương Quốc Phong ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Đến dự Hội nghị có ông Võ Xuân Tân – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cùng đại diện của các phòng chuyên môn; đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn huyện Châu Thành, lãnh đạo Trạm Khuyến nông Châu Thành, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Phú Hữu cùng 20 nông dân trong huyện cùng tham dự. ,

Theo báo cáo tại Hội nghị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, màu an toàn với quy mô 0,1 ha được triển khai tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang. Hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 40% chi phí làm nhà màng, vật tư thiết yếu làm nhà màng, giá thể và hệ thống tưới. Qua thời gian triển khai, thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã đạt được kết quả khá tốt với vụ thu hoạch vừa qua năng suất thực tế là 3.285 kg. Với giá bán dao động từ 23.000-40.000 đồng/kg, thu được 97.400.000đ/vụ/1.000 m2. Mỗi năm có thể trồng 3-4 vụ nên mức thu từ 291 triệu đồng/năm/1.000 m2. Sau khi trừ các chi phí, còn lời được gần 14 triệu đồng/vụ trồng, dưa lưới được thu mua tận vườn nên thuận lợi trong khâu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được hướng dẫn xây dựng nhãn mác, bao bì; tổ chức các hoạt động quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị trong và ngoài tỉnh để từng bước liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đã tạo vùng sản xuất, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hộ sản xuất, cập nhật thường xuyên minh bạch thông tin sản phẩm và giới thiệu, mời khách tham quan vườn, bán sản phẩm.

Ông Võ Xuân Tân- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết: khi tham gia mô hình người dân sẽ thay đổi cơ bản tập quán sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển sản xuất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động hơn trong quá trình sản xuất, làm ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tạo được nhãn mác riêng cho sản phẩm. Do đó, người tham gia mô hình cần phải thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu trong sản xuất như: vật liệu giá thể, giống, quy trình kỹ thuật, công nghệ tưới nước, bón phân,...  Từ đó, nâng cao giá trị nông sản, tăng tính cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, thân thiện với môi trường.

Ảnh: Ông Võ Xuân Tân - GĐ TTKN&DVNN tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi tổng kết

Sau buổi tổng kết, các đại biểu được đi tham quan thực tế của mô hình. Trong lúc tham quan, đại biểu được giới thiệu thêm về mô hình tạo điều kiện để các hộ trong và ngoài mô hình trao đổi và có thêm kiến thức thực tế về kỹ thuật canh tác các loại rau, màu thích hợp cho sản xuất ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sản xuất theo hướng an toàn, bền vững cho người dân tham gia mô hình và kể cả những hộ chưa tham gia vào mô hình.

Có thể nó, đây là mô hình sản xuất đảm bảo môi trường và sức khỏe người nông dân. Đồng thời, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất theo hướng bền vững, nhằm mang đến sự gắn kết giữa nhu cầu thực tiễn về đổi mới sản xuất với các công nghệ tiên tiến hiện nay. Với quy trình này, đến nay huyện Châu Thành đã phát triển được 1,5ha diện tích trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao, giúp nông dân Châu Thành có thu nhập ổn định cuộc sống.

Nguyễn Thị Cẩm Nhung
Viên chức kỹ thuật xã Phú Hữu - Trạm Khuyến nông Châu Thành

Ý kiến bạn đọc