19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong nước
Dự án Chương trình Khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018
 1198
 02/05/2018
Ảnh. Toàn thể các đại biểu tham gia dự án

Ảnh. Toàn thể các đại biểu tham gia dự án

Ngày 13/4, tại Thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án Chương trình Khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam (BQL) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.

Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng cục Chăn nuôi, Giám đốc dự án, đại diện nhà tài trợ Endes, Tổ chức Hợp tác và phát triển Hà Lan SNV, đại diện hơn 30 tỉnh, thành phố và thợ xây/thợ lắp đặt, các doanh nghiệp biogas composite tham gia dự án giai đoạn 3 cùng dự.

Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe các báo cáo tổng quan kết quả hoạt động dự án năm 2017, tổng quan kế hoạch triển khai hoạt động năm 2018, hướng dẫn triển khai thực hiện theo cơ chế tài chính dựa trên kết quả (RBF), thưc hiện theo cơ chế trợ giá cho hộ dân (các  huyện nghèo thuộc 30a) năm 2018, hướng dẫn triển khai hoạt động đào tạo, kiểm soát chất lượng công trình, họat động nghiên cứu và phát triển/xây dựng mô hình sử dụng khí sinh học,…

Ảnh: Toàn cảnh hội nghị.

Dự án Chương trình Khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam với mục tiêu tổng quát là Cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam từ các lợi ích thị trường và phi thị trường của việc xây dựng các công trình khí sinh học và hình thành, phát triển ngành khí sinh học định hướng thị trường tại Việt Nam. Mục tiêu cụ thể là đạt tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, cung cấp phụ phẩm khí sinh học cho trồng trọt và chăn nuôi gia cầm mang lại nguồn sản phẩm sạch và hình thành khí sinh học theo hướng thị trường thương mại độc lập.

Theo BQL dự án kết quả năm 2017 đạt được cụ thể như sau:

+ Về số lượng công trình khí sinh học: Dự án đã nghiệm thu và chi trả theo cơ chế RBF là 7.877 công trình, cho 31/33 tỉnh, thành tham gia dự án.

+ Về các hoạt động tập huấn: Dự án đã tập huấn cho 220 đối tượng gồm 97 thợ xây/thợ lắp mới, 93 thợ xây/thợ lắp cũ và 30 cán bộ kiểm tra độc lập (iQC) về cơ chế RBF. Dự án cũng đã tổ chức 02 cuộc hội thảo chia sẽ về thực hiện theo cơ chế RBF với tổng số 103 người tham gia gồm thợ xây/thợ lắp và iQC.

+ Về phát hành và bán tín chỉ các bon tự nguyện VERs: Tổng số 1.289.912 tín chỉ VERs đã được chuyển giao cho khách hành mua tín chỉ.  

+ Trong năm 2017 BQL đã loại khỏi dự án 7 thợ xây và 4 thợ lắp, nguyên nhân do làm công trình khống, công trình không do họ tự xây hoặc lắp đặt, công trình của những năm trước hoặc công trình không được dự án nghiệm thu (kiểu khác).

Riêng tại Văn phòng dự án khí sinh học tỉnh Hậu Giang, kết quả năm 2017 đã lắp đặt và nghiệm thu 5 công trình theo cơ chế RBF. Năm 2018, văn phòng tỉnh Hậu Giang vẫn sẽ tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế RBF.

Kế hoạch năm 2018, dự án dự kiến sẽ thực hiện xây dựng và lắp đặt 9.400 công trình khí sinh học, trong đó 9.000 công trình áp dụng theo cơ chế hộ trợ RBF và 400 công trình áp dụng theo cơ chế trợ giá trực tiếp cho hộ dân huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của chính phủ. Địa bàn hoạt động dự kiến năm 2018 là 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong buổi thảo luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về các nội dung quan trọng của dự án như tiến độ và kết quả triển khai dự án đã đạt được, những giải pháp tháo gỡ, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án tại Trung ương và các địa phương; mục tiêu kế hoạch của dự án năm 2018 và các kiến nghị của văn phòng dự án các tỉnh nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra của dự án; công tác phối hợp giữa các bên tham gia,…

Ảnh: Đại biểu các tỉnh tham gia đóng góp ý kiến.

Ảnh: Ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Giám đốc BQL dự án phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Kết luận Hội nghị, ông Tống Xuân Chinh đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án trong năm 2017 và nhấn mạnh năm 2018 là năm dự án sẽ phát triển ngành khí sinh học theo định hướng thị trường, thúc đẩy việc xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học tại cấp nông hộ đạt chất lượng theo yêu cầu của dự án, ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, phát triển ứng dụng các mô hình sử dụng phụ phẩm khí sinh học, ngoài ra dự án cũng sẽ hoàn thành bộ tiêu chuân kỹ thuật cho thiết bị khí sinh học bằng composite để áp dụng cho tất cả các công ty sản xuất thiết bị bằng composite muốn tham gia dự án./.

Ngô Văn Thống
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc