29/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Hậu Giang: Sơ kết Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh
 217
 06/07/2020
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chanh không hạt của Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chanh không hạt của Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước.

Ngày 26/6/2020, tại phòng họp số 01 UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức sơ kết Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Đến dự có ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi sơ kết thực hiện Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh (đề án). Đại diện lãnh đạo các sở Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Liên minh HTX tỉnh, lãnh đạo các địa phương, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia đề án trên địa bàn tỉnh cùng dự.

Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tháng 8/2019 và giao Sở Công thương là đơn vị được giao chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai thực hiện đề án. Đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Thiết bị Y tế Thiên Việt.

Theo báo cáo của Sở Công Thương đề án triển khai thực hiện đến nay đã có 11 sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đó là các sản phẩm khóm Cầu Đúc, xoài cát Bảy Ngàn, trà mãng cầu, cá thát lát, kẹo đậu phộng, sữa dê, chanh không hạt, bưởi da xanh, rượu cam sành, quýt đường. Đề án đã cấp được 24.000 tem trong tổng số 3 triệu tem (trong đó gồm 2 triệu tem dán và 1 triệu tem treo).

Đề án được triển khai đến nay đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lên rõ nét và tăng sức cạnh tranh trên các thị trường tiêu thụ khó tính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án còn một số khó khăn như: trong 11 sản phẩm được gợi ý thực hiện trong đề án thì đến nay có một số sản phẩm như rượu nếp Đại Thành, bưởi 5 roi, cam sành Ngã Bảy không còn sản xuất hoặc ngừng hoạt động nên không thể tiếp tục thực hiện trên các sản phẩm này, việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số cơ sở, hợp tác xã còn yếu nên khó khăn trong việc cập nhật thông tin ban đầu, nhiều cơ sở chưa chủ động, đầu ra chưa nhiều nên chưa mạnh dạn để tham gia đề án,…

Kết luận tại buổi sơ kết, ông ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao những kết quả đạt được của đề án trong việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào trong sản xuất mà các Sở, Ngành, địa phương đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới đề nghị các Sở, Ngành, địa phương phối hợp hơn nữa để đẩy nhanh việc dán tem truy xuất nguồn gốc, cần nghiên cứu, xem xét thêm các sản phẩm nông, thủy sản thế mạnh khác trên địa bàn tỉnh để dán tem truy xuất nguồn gốc. Nghiên cứu thêm các công nghệ, phần mềm mới để tối ưu áp dụng vào đề án. Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư tham gia đề án và dán tem truy xuất nguồn gốc nhằm tạo ra các các sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

Ngô Văn Thống - TTKN

Ý kiến bạn đọc