20/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2020 tại Hậu Giang
 1626
 06/03/2020
Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống 77.820,19 ha lúa, chủ yếu đang giai đoạn trổ chín và thu hoạch. Thực trạng cho thấy các trà lúa Đông Xuân chưa bị ảnh hưởng lớn về năng suất do nước mặn xâm nhập. Hiện nay tình hình nước mặn xâm nhập diễn biến phức tạp, có khả năng gây khô hạn nghiêm trọng ở trà lúa Hè Thu sớm của tỉnh trong thời gian tới.

Các khu vực sản xuất lúa có khả năng bị ảnh hưởng lớn bởi hạn mặn gồm có: Huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy và Phụng Hiệp. Bên cạnh đó, tình trạng rầy nâu gối lứa trên đồng rất nguy hiểm vì là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ vụ này sang vụ sau. Qua theo dõi bẫy đèn trong tháng 02, rầy nâu di trú cao điểm từ ngày 12-17/02/2020 và có khả năng rầy nâu di trú liên tục trong tháng do diễn biến thu hoạch lúa Đông Xuân.

Từ những thực trạng nêu trên, cần có biện pháp phòng tránh tổn thất trong sản xuất lúa do xâm nhập mặn, khô hạn và rầy nâu truyền bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu 2020 với các nội dung như sau:

         II. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ LÚA HÈ THU 2020        

  1. Diện tích sản xuất:

          Dự kiến kế hoạch xuống giống vụ Hè Thu 2020 toàn tỉnh là 76.700 ha. Phân bố cụ thể các đơn vị như sau:

STT

Đơn vị

Diện tích (ha)

1

Thành phố Vị Thanh

3.690

2

Thị xã Ngã Bảy

600

3

Huyện Châu Thành A

7.750

4

Huyện Châu Thành

0

5

Huyện Phụng Hiệp

20.000

6

Huyện Vị Thủy

17.000

7

Thị xã Long Mỹ

9.910

8

Huyện Long Mỹ

17.750

 

Tổng cộng

76.700

       

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Thời vụ gieo trồng

Để tránh thiệt hại về bệnh vàng lùn - lùn loắn lá và các yếu tố thời tiết gây bất lợi đến sản xuất. Các địa phương cần xác định chính xác lịch thời vụ trên cơ sở Thông báo số: 361/TB-SNNPTNT ngày 24/02/2020 cụ thể như sau:

Đợt 1: Từ ngày 15 - 21/3/2020 (nhằm ngày 22 - 28/2/2020 âm lịch).

Đối với vùng ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng xâm nhập mặn như huyện Châu Thành A, các xã phía Bắc của huyện Vị Thủy và một số xã phía Tây của huyện Phụng Hiệp.

Đợt 2: Từ ngày 13 - 19/4/2020 (nhằm ngày 21 - 27/3/2020 âm lịch).

Đối với vùng xâm nhập mặn ảnh hưởng nhẹ như huyện Phụng Hiệp, một số xã phía Nam của huyện Vị Thủy và một số phường của thành phố Vị Thanh.

Đợt 3: Xuống giống khi mùa mưa bắt đầu và dứt điểm trước ngày 30/5/2020.

Đối với vùng xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng như huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp và một số xã của thành phố Vị Thanh.

Chú ý: Tùy theo tình hình thời tiết, thủy văn thực tế của từng địa bàn, đồng thời kết hợp việc theo dõi rầy nâu di trú của địa phương để quyết định thời gian xuống giống cho hợp lý ở các huyện, thị xã, thành phố.

          2. Các biện pháp kỹ thuật cần chú ý trong vụ Hè Thu

Trước khi xuống giống nên vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, tốt nhất nên phơi đất từ 15-20 ngày trước khi gieo sạ để đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ và tránh ngộ độc hữu cơ (thối rễ) cho lúa.

- Đối với các khu vực đất phèn bị xâm nhập mặn kéo dài, đất ruộng bị khô, tầng phèn có điều kiện hoạt động nên pH ở ruộng rất thấp; do đó trước khi làm đất cần sử dụng nước mưa, nước ngọt để ngâm ruộng liên tục 15-20 ngày, sau đó xả nước 2-3 lần và bón vôi bột để hạn chế phèn làm chết giống.

- Sử dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất).

- Sạ thưa, sạ hàng với lượng giống gieo sạ <100 kg/ha, hoặc cấy với lượng giống 30-50 kg/ha.

- Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng Công nghệ sinh thái và chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu…

- Hạn chế phun thuốc trừ sâu, rầy đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau như:

+ Xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” để hạn chế sự gây hại của rầy nâu và lây lan của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

+ Bón phân cân đối, đầy đủ giữa đạm - lân - kali, không bón thừa đạm.

+ Nếu có rầy nâu di trú lúa giai đoạn mạ, nhánh cần nên đưa nước ngập 2/3 thân cây lúa.

- Một số biện pháp kỹ thuật có thể áp dụng đối với những vùng sản xuất lúa bị hạn, có nguy cơ bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt để tưới như sau:

+ Sử dụng một số giống có khả năng chống chịu mặn như OM5451, OM6976, OM2517, OM 4900, ST 24...

+ Bón vôi bột 500-1.000 kg/ha ngay đầu vụ và tăng cường sử dụng các loại phân bón có chứa hàm lượng canxi, silic để giúp lúa tăng sức chống chịu với sâu, bệnh, hạn mặn và hạn chế đổ ngã.

+ Sử dụng các dạng phân Urê chậm tan để chống thất thoát đạm trong điều kiện hạn xảy ra.

+ Trong điều kiện xảy ra xâm nhập mặn có thể sử dụng phân bón lá, chất điều hòa sinh trưởng giúp rễ lúa phát triển để hấp thu dinh dưỡng và nước.

Hiện nay, tình hình diễn biến hạn, mặn kéo dài, rầy nâu truyền bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá khá phức tạp, khuyến cáo bà con nông dân nên tuân thủ lịch xuống giống của địa phương, không được nóng vội xuống giống vụ lúa Hè Thu quá sớm để hạn chế thiếu nước đầu vụ và rầy nâu di trú từ ruộng lúa đang thu hoạch sang trà lúa mới gieo sạ.

          3. Giống lúa

- Khuyến cáo bà con nông dân sử dụng hạt lúa giống cấp xác nhận trở lên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở cung cấp giống uy tín như các Trung tâm sản xuất giống, các hợp tác xã hoặc câu lạc bộ sản xuất lúa giống đạt yêu cầu tại địa phương. Lưu ý không sử dụng giống lúa không rõ nguồn gốc để gieo sạ.

- Về cơ cấu giống: Theo dự báo thị trường tiêu thụ lúa gạo và xuất khẩu, dự phòng tình huống bị ảnh hưởng nước mặn xâm nhập trong giới hạn sinh trưởng và phát triển của giống lúa trong vụ Hè Thu, đề xuất cơ cấu giống lúa như sau: OM5451, OM6976, OM4218, OM18, ST24, Đài Thơm 8…, các giống khác khoảng 5%.

Chú ý: Tùy điều kiện địa phương đánh giá mức độ ảnh hưởng và xâm nhập của nước mặn đối với tình hình sản xuất lúa có thể đề xuất một số giống có tính chống chịu phù hợp thực tế. Các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chịu mặn ở mức trung bình (khoảng 2%0­): OM5451, OM6976, OM4218­…., một số giống chịu mặn khá (3-<4%0­): OM2517, OM6677, OM9577, Một bụi đỏ…

4. Công tác tuyên truyền và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất

- Tập huấn tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân về việc sử dụng hạt lúa giống cấp xác nhận trở lên.

- Tổ chức triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả trên địa bàn như: 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, Công nghệ sinh thái, ứng dụng phân bón thông minh ... Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, bón phân cân đối, quản lý nước ngập khô xen kẻ,... Qua đó khuyến khích và vận động nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất, nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng năng suất và tăng thu nhập.

 III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

          - Thường xuyên chỉ đạo các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ. Theo dõi tiến độ xuống giống theo kế hoạch.

          - Chỉ đạo viên chức Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại địa phương thăm đồng và tập huấn kỹ thuật phòng trừ sinh vật gây hại.

- Tiếp tục theo dõi tình hình rầy nâu vào đèn để thực hiện công tác dự tính, dự báo chính xác và hiệu quả.

- Theo dõi các diễn biến thời tiết bất thường (mưa bão đầu vụ, cuối vụ) để có đề xuất biện pháp hỗ trợ khắc phục, tránh thiệt hại nặng đến năng suất lúa.

- Chủ trì tổng hợp báo cáo tình hình sản xuất trong vụ lúa Hè Thu 2020.

- Kết hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang dự báo tình hình sinh vật gây hại hàng tuần trên Đài truyền hình.

2. Chi cục Thủy lợi

- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước đầu vụ và cuối vụ để thông tin kịp thời đến cơ quan chuyên môn, người sản xuất lúa. Đồng thời dự phòng xây dựng các phương án, tổ chức thực hiện phòng, chống hạn mặn, bão lụt, ngập úng, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Rà soát, tu bổ để bao, cống, bọng, trạm bơn, đập thoát nước, vận hành và đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa vụ Hè Thu 2020 hiệu quả, an toàn.

3. Trung tâm Khuyến nông

- Chỉ đạo viên chức huyện, xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống theo lịch né rầy của ngành nông nghiệp khuyến cáo.

- Tăng cường triển khai thực hiện các chương trình, dự án để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí giá thành sản xuất.

4. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch sản xuất vụ lúa Hè Thu 2020 cụ thể trên địa bàn đảm bảo “né rầy” hiệu quả và có hiệu suất cao, dựa trên cơ sở nội dung kế hoạch này và dự báo sinh vật gây hại, mực thủy văn thực tế, khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn tại địa phương.

- Kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh (nếu có) nhằm bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè Thu 2020 trên địa bàn đạt hiệu quả cao.

- Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất, báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, khó khăn.

5. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị, thành

- Vận động nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng theo đúng yêu cầu kỹ thuật: trục vùi rơm, rạ, lúa rài, lúa chét, làm bờ bao,…

- Phối hợp địa phương tuyên truyền lịch thời vụ và sử dụng giống lúa cấp xác nhận, biết rõ nguồn gốc để gieo sạ.

- Ghi nhận các diện tích xuống giống không theo lịch thời vụ.

- Tăng cường công tác kiểm tra dịch hại trên địa bàn để sớm phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại, đồng thời hướng dẫn nông dân biện pháp quản lý và phòng trị kịp thời.

- Triển khai tập huấn phòng trừ dịch hại, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất lúa, tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”.

  - Triển khai thực hiện các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa trên địa bàn.

  - Chỉ đạo cán bộ kỹ thuật Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của tổ kỹ thuật nông nghiệp xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sinh vật gây hại và kịp thời báo cáo về Chi cục.

   6. Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã, phường, thị trấn

  Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã, phường, thị trấn thăm đồng thường xuyên, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời không để sâu bệnh phát triển, lây lan trên diện rộng. Báo cáo cấp trên các trường hợp cấp thiết để chủ động nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời.

  Trên đây là kế hoạch sản xuất vụ lúa Hè Thu 2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, bổ sung, chỉ đạo kịp thời./.

(ĐÍNH KÈM KẾ HOẠCH CỦA SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT)

Triệu Quốc Dương - TTKN Hậu Giang
Nguồn Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc