29/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Tình hình dịch hại và khuyến cáo mới
Thông báo: Theo dõi và quản lý sinh vật gây hại trên cây lúa dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018
 549
 14/02/2018
Ảnh. Chăm sóc lúa Đông Xuân

Ảnh. Chăm sóc lúa Đông Xuân

Đến nay vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 toàn tỉnh xuống giống được 77.917 ha. Trong đó giai đoạn mạ là 1.795 ha, giai đoạn đẻ nhánh là 31.864 ha, giai đoạn lúa làm đòng 33.622 ha, giai đoạn lúa trổ - chín là 10.015 ha và đã thu hoạch được 619 ha, năng suất bình quân 6,43 tấn/ha.

1. Dự báo tình hình sinh vật gây hại:

Qua kết quả điều tra đồng ruộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo một số đối tượng sinh vật gây hại cây lúa giai đoạn trước, trong và sau Tết như sau:

- Bệnh đạo ôn: Hiện nay vào sáng sớm có nhiều sương mù, nhiệt độ cao vào ban ngày và xuống thấp ban đêm cũng như mưa trái mùa là điều kiện khá thuận lợi cho đạo ôn lá phát triển và gây hại nặng vào giai đoạn đẻ nhánh đến trước trổ trên các giống nhiễm như Đài Thơm 8, RVT, OM4900... ở địa bàn huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp,... Cũng như bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa giai đoạn trổ ở các huyện, thị, thành.

- Bệnh bạc lá (cháy bìa lá): Một số giống lúa như RVT, Đài Thơm 8,… khi sạ dày, bón thừa phân đạm khi gặp các điều kiện như sương mù, ẩm độ cao, gió mạnh hay mưa trái mùa sẽ rất thuận lợi cho bệnh phát triển.

- Bệnh đốm vằn: Trong điều kiện nhiệt độ thấp và ẩm độ cao như hiện nay bệnh có khả năng phát triển mạnh trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ ở ruộng sạ dày, bón thừa đạm...

- Rầy nâu: Dự báo sẽ có lứa rầy cám nở trong dịp Tết từ ngày 09/2-17/2/2018 (tức ngày 24/12 đến ngày mùng 2 tết), có thể kéo dài đến mùng 5 Tết, trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Đặc biệt trên các giống lúa Jasmine 85, RVT, Đài Thơm 8....

- Chuột: Gia tăng mật số và gây hại trên trà lúa giai đoạn làm đòng - trổ.  

2. Biện pháp quản lý dịch hại:

Để ngăn chặn bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm vằn và quản lý rầy nâu đạt hiệu quả trong dịp tết Mậu Tuất 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị:

- Bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp quản lý kịp thời, không để lây lan sang diện rộng. Nhất là những ngày nghỉ Tết.

- Bón phân cân đối N-P-K, bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa. Khi thấy ruộng xuất hiện bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm vằn ngưng bón phân đạm, tuyệt đối không sử dụng phân bón lá, không dùng chất kích thích sinh trưởng.

- Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Không áp dụng biện pháp phun ngừa đối với rầy nâu và các loại sâu hại khác đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ bảo vệ thiên địch, giúp cân bằng hệ sinh thái nhằm khống chế mật số sâu, rầy ở giai đoạn sau cho ruộng lúa.

- Tuyệt đối không phun ngừa thuốc bảo vệ thực vật “để an tâm ăn Tết” khi dịch hại chưa xuất hiện.

2.1 Đối với bệnh đạo ôn:

- Giữ mực nước ruộng thường xuyên từ 3-5cm, tùy theo giai đoạn cây lúa. Nên áp dụng biện pháp “tưới ướt khô xen kẻ” để giúp cây lúa khỏe.

- Nếu bệnh phát triển có thể sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị như: Beam 75 WP, Blastogan 75WP, Vista 72.5WP, Ninja 35EC, Plintpro 648WG, Dupont TM Charisma® 206,7EC…liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc. Cần phun kỹ, béc nhuyễn, đủ lượng nước và lượng thuốc để tăng hiệu quả phòng trừ.

- Cần phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần: vào lúc 7 ngày trước và sau khi trổ đều. Nên phun thuốc vào lúc chiều mát để không ảnh hưởng đến sự thụ phấn của bông lúa.

2.2 Đối với bệnh cháy bìa lá (bạc lá):

 - Cần thăm đồng thường xuyên và thay nước ruộng lúa, tránh việc giữ ruộng ngập nước liên tục để hạn chế bệnh lây lan.

- Có thể sử dụng một số loại thuốc đặc trị như: Lobo 8WP, Totan 200WP, Xantocin 40WP, Kasumin 2L, Kasuran 47WP, Staner 20WP… phun thuốc sớm khi bệnh mới xuất hiện để tăng hiệu quả phòng trị.

2.3 Đối với bệnh đốm vằn:

Khi thăm đồng, cần kiểm tra kỹ gốc lúa để quan sát bệnh trên bẹ lúa. Khi phát hiện có thể sử dụng một số loại thuốc như: Anvil 5SC, Validacin 5SL, Vacin 5SL, Validan 5SL... để trừ bệnh khi bệnh chớm xuất hiện, phun chậm, tập trung vùng ổ bệnh để đạt hiệu quả.

2.4 Đối với rầy nâu:

- Rầy nâu xuất hiện trên đồng với mật số không giống nhau giữa các xã, các huyện trên địa bàn tỉnh. Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra mật số rầy nâu, nhất là vào những ngày cận Tết.

- Khi mật số rầy nâu trên 3.000 con/m2 có thể sử dụng thuốc để phòng trừ. Tuy nhiên, năm nay rầy nâu gối lứa, nở kéo dài nên cần xác định đúng thời điểm áp dụng thuốc lúc rầy phổ biến ở tuổi 2 đến tuổi 3 để đạt hiệu quả phòng trừ cao. Có thể sử dụng các loại thuốc tiêu diệt nhanh để phòng trừ như: Admire 50EC, Chess 50WP, Regent 5SC, Ramsuper 75WP, Elsin 600WP,... Trước khi phun nên cho nước vào ruộng, phun thật kỹ dưới gốc lúa để đạt hiệu quả cao hơn.

2.5 Đối với chuột:

  - Cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp như đặt gập, bẫy, bã mồi…

  - Tuyệt đối không dùng xung điện để diệt chuột dưới bất cứ hình thức nào.

 - Có thể sử dụng một số loại thuốc để làm bã mồi như Racumin 0.75TP, Storm 0.005%, Fokeba 20%... Nên cho chuột ăn bã không trộn thuốc 3-4 ngày liên tục để chuột quen bã mồi sau đó mới trộn thuốc sẽ cho kết quả phòng trừ cao hơn.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc