20/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Một số kinh nghiệm trong nuôi cá thát lát cườm (Notopterus Chitata)
 707
 13/10/2021
Ảnh: Ao cá thát lát

Ảnh: Ao cá thát lát

Cá thát lát cườm còn gọi là cá còm được nuôi thương phẩm rộng rãi từ những năm 2008, loài cá này có thịt dai, thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng vì có thể chế biến thành nhiều món ngon.

Cá thát lát cườm tương đối dễ nuôi, ít bệnh, tuy nhiên để có năng suất đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều thì nuôi với mật độ dày, tình hình ô nhiễm nguồn nước đã gây một số khó khăn cho người nuôi, vì vậy trong quá trình nuôi cần chú ý một số yếu tố như sau để có được vụ nuôi thành công:

1. Ao nuôi: Nên nuôi với diện tích 1.000 – 2.000m2 để tiện quản lý và thu hoạch, độ sâu ao từ 1,5 – 1,8m không nên sâu quá sẽ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm gây ảnh hưởng đến cá nuôi, ao được đặt ống xả tràn khi có mưa và việc cấp nước khi trời nắng. Ao được cải tạo, diệt khuẩn triệt để, phơi ao 5 – 7 ngày, nước cấp vào ao qua lưới lọc mịn để hạn chế dịch hại. Sau đó tạt vi sinh để duy trì màu nước và giảm thiểu ô nhiễm trong suốt quá trình nuôi (Vi sinh được sử dụng định kỳ để gia tăng và duy trì mật số, các tháng đầu khi cá còn nhỏ định kỳ 15 ngày tạt 1 lần, từ tháng thứ 4 trở đi định kỳ 7 ngày tạt 1 lần, từ tháng thứ 7 định kỳ 3 – 5 ngày tạt 1 lần. Có thể ủ vi sinh từ những nguyên liệu sẵn có để giảm chi phí: Mật rỉ đường + cám gạo + EM gốc).

2. Con giống: Nên chọn mua con giống tại những cơ sở uy tính, đảm bảo chất lượng, kích thước từ 10 – 15cm để hạn chế hao hụt, những sọc vằn hai bên thân cá rõ ràng, không nên chọn mua con giống với kích thước 10cm mà đã lên chấm tròn sẽ rất chậm lớn. Con giống khi đem về được tắm qua nước muối loãng 3% khoảng 3 – 5 phút, cá được thả trong vèo đặt trong ao đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 50g/con sẽ được thả ra ao. Cá được vèo lại để tiện xử lý trong quá trình nuôi do giai đoạn còn nhỏ cá rất dễ bị nhiễm bệnh cùng với việc thả cá trong vèo giai đoạn nhỏ sẽ dễ quản lý thức ăn và địch hại.

3. Thức ăn: Lúc cá mới bắt về ngưng cho ăn 1 ngày, sang ngày thứ 2 cho cá ăn cá xay trộn với thức ăn tỷ lệ 1:1, tuy rằng khi bắt cá về tại cơ sở ương dưỡng đã cho ăn thức ăn hoàn toàn nhưng để đảm bảo đầu con và sự phát triển của cá nên phối trộn thêm cá tạp hoặc cá biển xay nhuyễn trộn với thức ăn, lượng cá xay giảm dần cho đến khi chuyển thức ăn có kích thước 2 li. Thức ăn phải đảm bảo độ đạm trên 42%, cho cá ăn 2 lần/ngày sáng lúc 7 – 8h, chiều lúc 5 – 6h, trong giai đoạn cá nhỏ có thể cho ăn dặm thêm cử ăn lúc 21h.

4. Quản lý, chăm sóc: Trong quá trình nuôi thường xuyên bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng, định kỳ 2 – 3 ngày trộn men tiêu hóa cho cá ăn, nguồn nước đảm bảo ổn định không bị thay đổi các yếu tố môi trường, khi nắng mưa bất chợt nên bón vôi trước những cơn mưa để ổn định độ pH, bơm nước xả tràn.

Video cho cá ăn

Phạm Thị Hồng Tươi
Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành A

Ý kiến bạn đọc