Úm gà con là kỹ thuật cơ bản mà người chăn nuôi gà cần nắm rõ, không chỉ người chăn nuôi với quy mô lớn hay nhỏ thì kiến thức này rất hữu ích, là điều quan trọng quyết định đến năng suất chăn nuôi. Gà con trong giai đoạn từ 01 đến 21 ngày bộ lông mỏng chưa hoàn thiện bị ảnh hưởng rất nhiều từ nhiệt độ, ẩm độ của môi trường. Hệ hô hấp và tiêu hóa chưa hoàn thiện, sức đề kháng thấp dẫn đến dễ mắc bệnh làm tỉ lệ nuôi sống thấp. Do vậy cần phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật úm gà con để đàn gà nuôi mau lớn, tỉ lệ sống đạt cao.
1. Yêu cầu về chuồng úm và mật độ úm:
Có thể sử dụng lồng úm hoặc úm trên nền đất tùy thuộc vào điều kiện và quy mô chăn nuôi gà. Đối với úm gà trên nền thì cần phải có chất độn chuồng, có thể sừ dụng trấu để lót độn chuồng dày 7-10 cm và phải tiêu độc sát trùng trước khi đưa gà vào úm.
Với mật độ cân đối tạo điều kiện cho gà con phát triển bình thường, nhanh chóng. Trung bình, tiêu chuẩn của mật độ úm gà là 50 – 60 con/m2, đồng thời mật độ này sẽ giảm dần theo từng giai đoạn, khi gà đã lớn.
Tuyệt đối không nhồi nhét gà số lượng lớn, trong không gian quá chật hẹp. Đây là yêu cầu cơ bản trong kỹ thuật úm gà con mà người nuôi phải biết. Không quá rộng, không quá chật tạo không gian sinh sống thoải mái, lý tưởng nhất cho đàn gà. Từ đó, việc hạn chế những tác động tiêu cực tới sức khỏe, tới khả năng phát triển của gà úm tốt hơn.
2. Yêu cầu đối với nhiệt độ và độ ẩm:
Thời điểm tiến hành úm gà vào mùa nào thì việc điều chỉnh, cân đối nhiệt độ trong không gian sống cho gà con phải được chú ý. Duy trì mức nhiệt độ tốt, thích hợp sẽ bảo vệ tốt hơn cho chính sức sống, khả năng phát triển của gà. Và nhiệt độ tiêu chuẩn cơ bản thích hợp được áp dụng trong từng giai đoạn:
- Khi gà 1 tuần tuổi: 33 – 350C.
- Khi gà 2 tuần tuổi: 31 – 330C.
- Khi gà 3 tuần tuổi: 30 – 320C.
- Khi gà trên 3 tuần tuổi: 29 – 310C,
Tuy nhiên, trong quá trình úm đòi hỏi người nuôi phải cân đối với tình hình thực tế, vào biểu hiện của đàn gà để có thể tăng hoặc giảm nhiệt độ cho phù hợp. Không có những bất thường xảy ra mới chứng tỏ mức nhiệt độ khu vực úm gà trong điều kiện tốt nhất.
- Nhiệt độ thích hợp: Gà nằm rải đều khắp chuồng, hoạt động, ăn, uống bình thường.
- Nhiệt độ thấp: Gà tụm lại một chỗ gần bóng điện, co ro, run rẩy hoặc chồng lên nhau. Khi đó cần tăng thêm nhiệt bằng cách để thấp bóng úm xuống, hoặc bổ sung thêm bóng nếu thiếu.
- Nhiệt độ cao: Gà tản xa bóng điện, nằm há mỏ, thở mạnh, uống nhiều nước. Khi đó cần treo cao bóng điện úm hoặc giảm công suất bóng.
- Nếu bị gió lùa: gà sẽ nằm túm lại 1 góc chuồng. Khi đó cần che đậy kín cho gà.
- Cần chiếu sáng 24/24 cho gà trong 2-3 tuần đầu để có đủ độ sáng. Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, cho từng giai đoạn.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, kỹ thuật úm gà con cần lưu ý tới cả độ ẩm của môi trường. Thông thường, độ ẩm được duy trì từ 60 – 75% là điều kiện lý tưởng nhất. Nhiệt độ tốt cùng độ ẩm thích hợp chắc chắn sẽ giúp gà con có điều kiện sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn hơn.
3. Yêu cầu về thời gian chiếu sáng:
Quy định về thời gian chiếu sáng cần dựa vào điều kiện thời tiết, điều kiện chuồng trại,… để thực hiện hợp lý. Trong đó, chúng ta có thể áp dụng thời gian chiếu sáng theo độ tuổi của gà như sau:
- Khi gà 1 tuần tuổi: 20 – 22h mỗi ngày
- Khi gà 2 tuần tuổi: 15 – 20h mỗi ngày
- Khi gà 3 tuần tuổi: 10 – 15h mỗi ngày
- Khi gà trên 3 tuần tuổi: tùy vào điều kiện bên ngoài môi trường
4. Yêu cầu về chăm sóc khi úm gà:
Trong kỹ thuật úm gà con mà mỗi người cần biết thì đảm bảo chế độ ăn uống tốt nhất cho gà là điều quan trọng. Trong đó, quy định chính cần được tuân thủ là:
- Nhận gà về cho gà nghỉ 10-15 phút rồi cho uống nước, nước uống phải sạch và ấm ở nhiệt độ 16 - 200C, nên cho gà uống nước pha đường glucoza với Vitamin C, để chống stress cho gà. Chỉ cho gà ăn sau khi đã được uống đủ nước.
- Sử dụng thức ăn mềm, lượng vừa đủ và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ. Thời gian giữa từng bữa ăn nên cách nhau khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ.