28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Một số lưu ý trong kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà
 15900
 17/05/2018
Hình. Trồng nấm rơm trong nhà

Hình. Trồng nấm rơm trong nhà

Đối với trồng nấm rơm trong nhà sẽ rất thuận tiện trong quá trình chăm sóc và thu hoạch; giảm thiểu rũi ro trong điều kiện bất lợi của thời tiết so với trồng nấm rơm ở ngoài trời. Tuy nhiên trong quá trình trồng cần lưu ý một số khâu như sau:

1. Ủ rơm - chọn rơm:

            Không nên chọn loại rơm quá mục nát, ruộng lúa bị cháy rầy... còn lại tất cả đều dùng được.

           * Ủ rơm: đây là khâu quan trọng để nấm cho năng suất cao, mục đích làm rơm chín, phân hủy một số độc có trong rơm khi ta canh tác có sử dụng 1 số nông dược.

           * Kích thước đóng ủ: chiều ngang 2m, chiều cao 1,5 m, chiều dài tùy thuộc vào lượng rơm ủ. Ta tiến hành chất thành từng lớp cao 20-30 cm (2-3 tấc), rải vôi bột (25 kg/5 công lúa tương đương với 1 tấn rơm chất, lưu ý lượng vôi phải chia lại theo từng lớp rơm ủ), tưới nước dậm dẻ, sau đó chất tiếp tục đến khi có chiều cao 1,5 m là được. Sau đó khoảng 7 ngày sau tiến hành đảo rơm ủ cho rơm chín đều (nguyên tắc đảo từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài).

            * Chú ý: Làm vĩ cây để tránh rơm bị hư ở lớp dưới, đặt ống thông hơi để rơm được chín đều (khoảng cách ống hơi 2m/cây). Khi chất rơm ủ, nên dậm xung quanh đống rơm, còn ở giữa đống rơm nên dậm sơ và tưới nước mà thôi chủ yếu làm tăng nhiệt độ giữa đống rơm ủ.

                                      Hình. Ủ rơm có kê vĩ và cây thông hơi

2. Chọn meo giống:

            Hiện nay trên thị trường có nhiều loại meo nấm được bán do nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Khi chọn meo cần chú ý các đặc điểm sau:

            - Quan sát thấy tơ mọc thẳng, nhánh tơ phân phối đều khắp bịt có màu trắng, có hình lông chim.

            - Mật độ đóng tơ dày.

            - Ngửi có mùi nấm rơm.

     * Không nên chọn bịt meo có đặc điểm sau:

            - Bịt meo nhiễm mốc xanh, đen, mốc vàng cam...

            - Đáy bịt meo ướt nhảo.

            - Ngửi có mùi chua.

     * Chú ý: Nên bẻ meo nhẹ nhàng, không nên vò mạnh làm tơ bị dập ảnh hưởng đến sự phát triển của meo.

3. Thiết kế nhà trồng: Nền phải tráng xi măng để thuận tiện cho vệ sinh sau mỗi vụ trồng. Thiết kế kệ bằng sắt nhiều tầng để tận dụng diện tích, mái lợp tol, xung quanh nhà che kín bằng cao su, gắn nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ trong nhà, treo bóng đèn khi nhiệt độ thấp, hệ thống tưới phun sương khi nắng nóng kéo dài. Nhà trồng nấm không nên thiết kế cao quá hoặc thấp quá, khoảng cách giữa các tầng trên kệ khoảng 40-50cm, chiều cao kệ khoảng 1,2-1,5m để thuận lợi trong quá trình thu hoạch.

                                           Hình. Thiết kế nhà trồng nấm rơm

4. Đóng mô cấy meo giống:

     - Đặt khuôn sao cho thuận lợi khi đi lại, chăm sóc nấm và tiết kiệm diện tích.

     - Chiều ngang mặt mô từ 0,3-0,4 mét, chiều cao từ 0,35 – 0,4 mét. Trải một lớp rơm rạ vào khuôn dày 10-12 cm. Cấy một lớp meo giống viền xung quanh cách mép khuôn 4-5 cm. Tiếp tục làm như vậy đủ 3 lớp. Lớp trên cùng trải rộng đều khắp trên bề mặt (lớp thứ 4).

                                                             Hình. Cấy meo 

      - Lượng meo giống cấy cho 1,2 m mô khoảng 200-250 g. Mỗi lớp meo giống cấy xong dùng tay ấn chặt, nhất là xung quanh làm thành mô. Trung bình một tấn rơm rạ khô trồng được 90-100 mét mô nấm.

5. Chăm sóc mô nấm đã cấy meo giống:

     - Sau 3-5 ngày đầu không cần tưới nước, những ngày tiếp theo nếu bề mặt mô nấm thấy rơm rạ khô thì cần phun nhẹ nước trực tiếp xung quanh. Chú ý nếu tưới mạnh (hạt nước lớn) dễ làm sợi nấm tổn thương, ảnh hưởng tới năng suất vì lúc này sợi nấm đã phát triển ra tận phía ngoài thành mô.

      - Đến ngày thứ 7-8 bắt đầu xuất hiện nấm con (giai đoạn ra quả), 3-4 ngày sau nấm lớn nhanh to bằng quả táo, quả trứng, vài giờ sau nấm có thể nở ô dù.

                                                   Hình. Nấm ra nấm con

          Nấm ra mật độ dày, kích thước lớn cần phun nước đủ ẩm 2-3 lần cho một ngày. Lượng nước tưới một lần rất ít (0,1 lít cho 1,2 mét mô/ngày). Nếu tưới quá nhiều nấm dễ bị thối chân và chết.

6. Thu hoạch

          - Khi thu hái hết nấm đợt 1 cần nhặt sạch tất cả các “gốc nấm” và “cây nấm nhỏ” còn sót lại, dùng nilon phủ lại cho đến khi nấm ra thì lấy nilon ra. Ngừng 3-4 ngày sau đó tưới trở lại như ban đầu, để tiếp thu đợt 2. Sản lượng nấm thu hái tập trung đến 70-80% trong đợt đầu, đợt 2 còn lại 15-25%.

          - Kể từ lúc trồng đến khi hái hết đợt 1 khoảng 15-17 ngày sau 7-8 ngày ra tiếp đợt 2 và hái thì kết thúc một đợt nuôi trồng (tổng thời gian 25-30 ngày).

Hái nấm còn ở giai đoạn hình trứng (trước khi nấm nở dù) là tốt nhất, đảm bảo chất lượng và năng suất cao. Trường hợp nấm mọc tập trung thành cụm, ta có thể tách những cây lớn hái trước, nếu khó tách thì hái cả cụm.
          - Năng suất nấm dao động từ 12-20% so với nguyên liệu khô (một tấn rơm rạ cho thu hoạch khoảng 120-200 kg nấm tươi). Năng suất nấm cao hay thấp tùy thuộc vào chất lượng giống nấm, kỹ thuật nuôi trồng và yếu tố khí hậu.

Lê Châu Tứ - Phòng CGKT
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc