29/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Châu Thành: Phát triển kinh tế vườn nâng cao thu nhập cho nông dân
 515
 11/01/2021
Ảnh: Mô hình nuôi gà hơn tháng tuổi của anh, Chị Nguyễn Thúy An

Ảnh: Mô hình nuôi gà hơn tháng tuổi của anh, Chị Nguyễn Thúy An

Với mục tiêu khai thác, tận dụng nguồn đất đai và lao động sẵn có tại nông hộ nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình những năm gần đây các ngành, các cấp đã khuyến khích người dân mạnh dạn cải tạo, phát triển mô hình kinh tế vườn. Qua thực tế cho thấy, mô hình kinh tế vườn đã và đang phát huy hiệu quả, từng bước định hướng cho nông dân sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập.

Đi đến ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang nói đến đôi vợ chồng trẻ thành công với việc phát triển kinh tế nông hộ hầu như ai cũng biết đến đó là hộ anh Nguyễn Văn Triều và chị Nguyễn Thúy An. Từng bước mày mò học cách làm ăn và tham gia các lớp học dành cho nông dân mà gia đình anh chị đã có của ăn của để từ mô hình làm kinh tế không mới đó là vườn - ao - chuồng.

Thành công đầu tiên phải kể đến là anh chị đã đạt hiệu quả trong việc chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Nhớ về những ngày đầu tiên nuôi  gà, chị An cho biết: Do còn mới mẽ lại ít vốn nên ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi với quy mô nhỏ, chuồng trại cũng tạm bợ, vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm. Chị An cũng đến tham quan những trang trại chăn nuôi gà có quy mô ở Tiền Giang, Bến Tre… để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm về áp dụng cho đàn gà của mình. Vượt qua những khó khăn ban đầu từ khâu chăm sóc đến phòng chống dịch bệnh, đến nay gia đình anh chị An đã thành công và thấy hài lòng với mô hình kinh tế mà mình đã chọn lựa. Chị An còn cho biết thêm: Bình quân mỗi năm chị nuôi từ 5- 6 lứa, mỗi lứa thả nuôi khoảng 1000- 1500 con gà theo hình thức gối đầu giữa các lứa. Với cách làm này, chị luôn có gà thịt xuất bán quanh năm, cho thu nhập ổn định. Với mỗi lứa như vậy chị An thu về trên dưới 100 triệu đồng.

Bên cạnh việc thành công trong chăn nuôi thì anh chị còn thuê 8000m2  trồng cam sành, nhờ siêng năng và ham học hỏi và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới mà vụ thu hoạch vừa rồi đạt năng suất 64 tấn với giá bán 13.000đ/1kg gia đình thu về hơn 800 triệu đồng.

Ảnh: Mô hình cam sành chuẩn bị thu hoạch của anh, chị Nguyễn Thúy An 

Ngoài việc đạt hiệu quả với hai mô hình trên, chị An còn tận dụng mương vườn để nuôi ốc bươu đen. Chị An cho biết, nuôi ốc bươu đen khá nhàn rỗi, không cần vốn nhiều, không đầu tư thức ăn nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng chị thu nhập thêm khoảng 5 triệu đồng từ việc bán ốc thương phẩm.

Thực tế, hầu hết các hộ dân đều có diện tích đất vườn nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Do vậy, những năm qua địa phương đã chủ động lồng ghép với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn trên cơ sở phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật làm vườn, chăn nuôi,  tổ chức cho các hộ đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi,... Từ đó, nhiều hộ gia đình có nguồn đất đai đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chuyên canh phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Thị Cẩm Nhung
Viên chức kỹ thuật xã Phú Hữu - Trạm Khuyến nông Châu Thành

Ý kiến bạn đọc