28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Phụng Hiệp: Thị trấn Búng Tàu tận dụng chuồng heo cũ nuôi ấu trùng ruồi lính đen
 789
 06/07/2020
Ảnh: Tận dụng chuồng heo cũ nuôi ruồi lính đen

Ảnh: Tận dụng chuồng heo cũ nuôi ruồi lính đen

Cô Lê Thị Mai, ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã đưa ruồi lính đen vào nuôi thử nghiệm tại chuồng heo cũ của gia đình, bước đầu thu được kết quả khả quan tạo thành mô hình nuôi khép kín.

Năm 2019, do dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi bùng phát làm thiệt hại lớn trên đàn heo của gia đình cô. Sau khi được người quen giới thiệu về mô hình nuôi ruồi lính đen là một sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm, không cần nhiều diện tích đất nhưng mang lại hiệu quả trong xử lý chất thải nông nghiệp để tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Với diện tích 40m2 chuồng heo cũ của gia đình và 20 gam trứng ruồi lính đen được người quen cho cô đã đem về nuôi nhân giống.

Theo chân cô Mai, vào thăm khu nuôi, nhân giống và tái đàn ruồi lính đen của gia đình. Cơ sở vật chất để phát triển loài sinh vật này không quá cầu kỳ, bao gồm: Bể nuôi ấu trùng được tận dụng từ chuồng heo cũ; Các khay nhựa, thùng xốp đựng kén; lồng nuôi ruồi bố mẹ rộng 9m2 để phục vụ tái đàn. Lồng nuôi được thiết kế bằng vải mùng khép kín bên trong có hàng ngàn những chú ruồi lính đen chen chúc nhau. Cô cũng bố trí các giá thể bằng gỗ làm nơi để đàn ruồi chú ẩn, giao phối, sinh sản và đẻ trứng.

Vòng đời ruồi lính đen kéo dài khoảng 40 ngày và chia thành 5 giai đoạn: trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và ruồi trưởng thành. Con trưởng thành sống khoảng 5 đến 8 ngày không ăn chỉ uống để tồn tại, khi thành ruồi sống dưới bóng cây. Giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt cho việc xử lý rác thải, bởi chúng có thể phân hủy hàng tấn nông sản, chế phẩm để phát triển.

Ấu trùng (sâu canxi) thường được sử dụng để xử lý các nguồn phụ, phế phẩm hữu cơ tại nhà hoặc trại chăn nuôi, sinh khối thu được có thể sử dụng làm nguồn thức ăn giàu đạm và canxi cho vật nuôi. Ấu trùng ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng có thành phần dinh dưỡng cao gồm: 43 - 51% protein, 15 - 18% chất béo, 2,8 - 6,2% canxi, 1 - 1,2% Photpho, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Ấu trùng ruồi lính đen được cô Mai sử dụng để làm thức ăn cho cá rô và cá trê. Ngoài ra, phụ phẩm sau khi xử lý bởi ấu trùng ruồi lính đen cô dùng bón cho đất trồng cải tạo đất trồng chanh không hạt.

ẢNH: Ruồi lính đen

Cô Mai cho biết: “việc đầu tư nuôi ruồi lính đen không đòi hỏi về cơ sở vật chất chủ yếu là đảm bảo thức ăn, nước uống đầy đủ. Thức ăn của ruồi lính đen rất đa dạng, chủ yếu là các loại rau, củ, trái cây hư hỏng, thức ăn thừa, các loại phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, như: xác đậu nành, cám gạo,…”

Ruồi lính đen là loài côn trùng khá mới mẻ đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Búng Tàu. Tuy nhiên chúng dễ nuôi, phát triển nhanh và đặc biệt ấu trùng đem lại giá trị kinh tế cao  vừa làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, có thể sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa được sử dụng để xử lý chất thải hữu cơ từ các hoạt động nông nghiệp hoặc sản xuất. Ngoài ra, nguồn phụ phẩm sau khi xử lý ấu trùng ruồi lính đen có thể dùng bón cho đất trồng giúp cải tạo đất tăng năng suất cây trồng.

Trần Thị Mai Thiện
Khuyến nông thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp.

Ý kiến bạn đọc