25/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Mô hình khuyến nông hiệu quả
Huyện Long Mỹ: Nuôi tái đàn nhằm duy trì giống vịt chuyên trứng TC.
 813
 11/03/2019
Ông Trần Văn Biên cho đàn vịt hậu bị chuyên trứng TC ăn

Ông Trần Văn Biên cho đàn vịt hậu bị chuyên trứng TC ăn

Câu nói của ông bà xưa “ Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” từ lâu muốn nhắc nhở con cháu không nên lựa chọn vịt để làm mô kinh tế vì có nhiều rủi ro. Tuy nhiên quan niệm này có lẽ đã không còn đúng với loại vịt chuyên trứng TC mà 06 hộ dân ở huyện Long Mỹ đang nuôi dưỡng bởi những hiệu quả kinh tế đang mang lại.

Tết Kỷ Hợi vừa qua gia đình ông Nguyễn Văn Bộ ở ấp 6 xã Lương Nghĩa, ăn tết sung túc hơn mọi năm vì công việc làm ăn trong năm qua thuận lợi. Ngoài nguồn thu nhập từ làm ruộng, trồng hoa màu thì trong năm 2018 nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho 300 con vịt mái và 45 con vịt trống giống chuyên trứng TC đã mang lại nguồn lợi khá, ổn định cho gia đình ông.

Được biết, đàn vịt chuyên trứng được ông Bộ nuôi được 10 tháng. So với các giống vịt cỏ thì loại này 18 tuần tuổi đã đẻ trứng, mỗi đêm cho 260 – 270 trứng. Tùy vào thời vụ tận dụng được nguồn thức ăn từ thiên nhiên hay giá nông sản cao thấp mà thu nhập từ việc bán trứng của gia đình ông thu được 450.000 – 550.000 đồng/ngày. Đặc tính của loại vịt này dù là đẻ trứng nhưng không cần thả đồng, trong điều kiện nuôi nhốt vẫn thực hiện chức năng sinh sản hiệu quả. Điều này giúp gia đình ông nhẹ công chăm sóc và đàn vịt ít nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Còn hộ của ông Trần Văn Biên ở ấp 7, xã Lương Nghĩa hiện cũng giữ lại hơn 240 con vịt chuyên trứng TC mà dự án chuyển giao để cho đẻ. Ông cho biết vịt đẻ sai với số lượng trung bình từ 200-210 trứng/240 con/ngày. Ông còn cho biết thêm: Hiện nay đàn vịt được tái đàn làm hậu bị hiện được 45 ngày tuổi với số lượng 500 con vịt bóp mái lấy từ nguồn giống vịt chuyên trứng TC trong mô hình để ấp nở hiện đang phát triển tốt ông đã cho tiêm Vaccin phòng ngừa một số bệnh, cúm H5N1... Đàn vịt hậu bị trong giai đoạn đầu vào buổi sáng ông cho ra ruộng 0,5ha sau nhà nhằm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên (óc, sâu, rầy... hại lúa), chiều về ông bổ sung thêm thức ăn phối trộn với lúa, chuối cây xoay nhuyễn để giảm chi phí trong quá trình nuôi và đàn vịt này được coi là phần lợi nhuận của ông. Vì trừ chi phí hàng ngày như: thức ăn cho vịt bố mẹ, vịt hậu bị... Ông còn lợi nhuận được 100.000-120.000đ/ngày từ nguồn thu từ trứng của đàn vịt bố mẹ. Trong thời gian tới đàn vịt hậu bị phát triển tốt thì tháng 4-5/2019 âm lịch bắt đầu cho trứng”.Ông Biên nói.

Theo ngành chuyên môn, giống vịt chuyên trứng TC có năng suất trứng cao với đặc điểm tuổi đẻ là 18 tuần tuổi, trọng lượng cơ thể lúc đẻ là 1,2-1,4kg/con, năng suất trứng đạt 280-285 trứng/con mái/52 tuần đẻ, tiêu tốn thức ăn 2kg/10 trứng, trọng lượng trứng từ 60-70g/trứng. Đặc biệt, vịt chuyên trứng TC có thể nuôi theo các phương thức khác nhau như: nuôi nhốt trên khô, nuôi nhốt trong vườn cây, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt, chính những ưu điểm này mà vịt đã thích nghi được điều kiện nuôi của nông dân huyện Long Mỹ thời gian qua.

 Với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, các chủ hộ nuôi đã thực hiện nghiêm ngặt các khâu phòng bệnh và vệ sinh thú y như: Tiêm phòng dịch tả, viêm gan, cúm H5N1... ở các giai đoạn vịt con và vịt hậu bị. Chuồng nuôi được tẩy uế, khử trùng, rải trấu, rơm rạ và có đèn sưởi để giữ ấm cho vịt khi lạnh. Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế, dự án còn góp phần trang bị kiến thức về chăn nuôi đảm bảo an toàn, qua đó, còn tạo cho bà con thói quen ghi chép sổ sách trong quá trình sản xuất, tự hạch toán chi phí, lời lỗ.

Nguồn vịt giống chất lượng, sạch bệnh của dự án đã giúp đa dạng hóa chủng loại thủy cầm. Đặc biệt, năng suất của mô hình đạt 273 trứng/con mái/năm là con số khá ấn tượng nên được nông dân lựa chọn duy trì tại nông hộ. Nhất là thời gian khai thác trứng của vịt khoảng 2 năm sẽ giúp nông dân thu nhiều lợi nhuận vì chỉ tốn 1 lần đầu tư. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Chiến, Phó trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang cho biết: Với hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, có thể coi đây là một điển hình trong chăn nuôi nông hộ và có khả năng nhân rộng dễ dàng.

Hồ Hoàng Tích
Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc