29/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
“Ông khuyến nông” trách nhiệm
 430
 18/07/2019
Ảnh: Ông Thiện đến mừng cho bà Rạng khi gia đình bà được thực hiện chương trình “Cảm thông và chia sẻ”.

Ảnh: Ông Thiện đến mừng cho bà Rạng khi gia đình bà được thực hiện chương trình “Cảm thông và chia sẻ”.

Nhiều người dân ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, gọi ông Nguyễn Văn Thiện, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật nông nghiệp tại xã, là “ông khuyến nông” về những trợ giúp thiết thực của ông.

Mới đây, trong ngày bà Trần Thị Rạng, ở ấp Đông Lợi A, được các mạnh thường quân đến nhà trao tiền, quà hỗ trợ trong chương trình “Cảm thông và chia sẻ”, niềm vui ngập tràn trong nụ cười, cả nước mắt của hạnh phúc, hòa chung vào niềm vui của bà Rạng cùng hai đứa cháu nội, ông Thiện thấy ấm lòng. “Ngày xưa, khi còn làm Bí thư Chi bộ ấp Đông Lợi A, tôi cùng anh em trong chi bộ, các anh em ở UBND xã, viết bài gửi về các đài trong và ngoài tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, để xin được làm chương trình hỗ trợ. Sau đó, tôi được điều động lên công tác tại xã, các anh em ở ấp tiếp tục giúp bà Rạng. Mừng là cuối cùng, sự hỗ trợ cho bà Rạng đã có kết quả đẹp”, ông Thiện cho biết. Trong ngày vui nhất cuộc đời của người phụ nữ 74 tuổi Trần Thị Rạng, bà gặp lại ông Thiện và bày tỏ lòng biết ơn: “Bà cháu tôi biết ơn tất cả mọi người. Hồi đó, chú Thiện còn làm ở ấp hay đến thăm hỏi bà cháu tôi”.

Thường xuyên đi xuống các ấp, đến tận nhà nhiều người dân, nên thấy hoàn cảnh nào đặc biệt khó khăn, gặp cán bộ các ấp, Hội Chữ thập đỏ xã, ông đều thông tin, để mong người dân được hỗ trợ.

Còn ở mảng phụ trách, ông Thiện được nhận xét là nhiệt tình, trách nhiệm, có nhiều kiến thức trợ giúp bà con. Bên vườn cam gần 9 công đang sai trĩu quả, anh Trần Văn Giáp, ở ấp Đông Lợi B, chia sẻ, anh Thiện hay xuống gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiều cho vườn cam, làm trung gian với các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ, áp dụng thử nghiệm cách thức trồng mới, không thuốc bảo vệ thực vật và theo chuẩn VietGAP. Dự án thực hiện ở vườn cam anh Giáp, được những chuyên gia nông nghiệp đến từ Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ. Trong suốt quá trình đó, có sự góp mặt, góp sức của ông Thiện…

Ông Thiện kể, sau thời gian các vườn cam trên địa bàn huyện Châu Thành, trong đó có xã Đông Phước bị bệnh, nhiều gia đình không mặn mà với cây cam, đốn cam sành trồng các loại cây khác. Nhưng gắn bó với cây cam gần cả đời người, nhiều người dân ở đất Đông Phước này đều vươn lên từ cam sành, biết đất này hợp thổ nhưỡng với nó, nên ông Thiện cố gắng khuyên bà con phải sáng suốt khi lựa chọn một cách trồng khác, phải theo khuyến cáo của địa phương, giữ lại vườn cam sành, vì nó phù hợp thổ nhưỡng, theo quy hoạch của huyện. May mắn lúc đó có một dự án được thực hiện nhờ sự kết nối từ huyện với Trường Đại học Cần Thơ, ông Thiện với trách nhiệm là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở tại xã đã cố gắng theo sát để hỗ trợ.

Dự án này là trồng lại cam sành trên nền đất cũ, bằng những cách thức trồng trọt thân thiện với môi trường, sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nấm Trichoderma, sau khi cưa cây cam sành bệnh chết, xử lý dịch bệnh gây hại, cỏ dại, sẽ xiết nước, để đất khô nứt một khoảng thời gian mà không cần đảo liếp, rồi dùng phân hữu cơ trộn nấm Trichoderma rải vào các khe nứt, sau đó đắp gốc bằng bùn từ dưới ao lên… Trước đây, người dân hay trồng tràm để tạo bóng mát cho cam, nhưng sau một thời gian ông Thiện phát hiện có nhiều nhện, ít nhiều gây hại cho cây cam sành. Để tạo bóng mát cho cây, ông thử nghiệm sáng kiến mới là trồng cây cau để tạo bóng mát ở các vườn cam sành, vừa an toàn, lại có cau bán khi trổ quầy. Sau khoảng 4 năm thực hiện dự án này trên đất vườn anh Giáp, hiệu quả cho thấy rõ, vườn cam cho thu hoạch mỗi đợt cả chục tấn cam, ít dịch bệnh…

Có những lúc người dân ở đây muốn bỏ cam sành, ông thuyết phục họ không biết bao nhiêu lần, phân tích lợi hại. Hiện nay, cam sành giá khoảng 15.000 đồng/kg mua tại vườn, cho thấy sự đúng đắn trong lời khuyên của ông dành cho người dân. Hơn 8 công vườn tại nhà mình, hiện ông Thiện cũng trồng cam, coi như tạo niềm tin cho những người dân.

Ông chia sẻ, làm việc gì cũng vậy, quan trọng nhất là trách nhiệm, đặc biệt với những công việc gần gũi với người nông dân như ông, điều quan trọng là nghe các cô chú, anh chị dưới các ấp nói gì, nghĩ gì, nhiều khi họ có kinh nghiệm hơn mình rất nhiều, phải học tập họ.

Ông Đặng Đoàn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Phước, nhận xét: “Anh Thiện là viên chức Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, làm nhiệm vụ tại xã. Là xã nông nghiệp, nên những công việc của anh Thiện hầu như bao quát tất cả, có mặt trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý Nhà nước về nông nghiệp trên địa bàn. Anh đã giúp cho xã rất nhiều trong công tác phối hợp, định hướng cho người dân, gợi mở những mô hình hay trong phát triển nông nghiệp”.

Sinh ra trong gia đình nông dân chính gốc, nhà có tới 9 anh chị em, thuở nhỏ đã quen ruộng vườn, lớn lên lại đi học ngành khuyến nông, nên mấy mươi năm gắn bó với nông nghiệp, ông hiểu nên khuyên người dân cần làm gì để ổn định và sống được với nghề nông nghiệp, trồng trọt…

Ngô Văn Thống
Nguồn: Bài, ảnh theo Hoàng Nguyên - Báo Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc