23/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong tỉnh
Tọa đàm: Các biện pháp kỹ thuật phát triển nuôi tôm bền vững trên nền đất lúa tại xã Lương Nghĩa
 616
 16/04/2018
Hình. Ông Võ Xuân Tân - GĐ. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang tại buổi tọa đàm

Hình. Ông Võ Xuân Tân - GĐ. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang tại buổi tọa đàm

Sáng ngày 13/04/2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ tổ chức thành công tọa đàm “ Các biện pháp kỹ thuật phát triển nuôi tôm bền vững trên nền đất lúa” tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ với hơn 70 lượt nông dân tham dự.

Ban chủ tọa buổi tọa đàm gồm có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, Chi cục Thủy sản tỉnh và Phòng Nông nghiệp huyện Long Mỹ. Đặc biệt có sự tham gia của GS.TS Trần Ngọc Hải – Phó Trưởng Khoa Thủy sản, Trường ĐHCT.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu được nghe báo cáo về Tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và kết quả triển khai dự án xây dựng và phát triển mô hình tôm – lúa luân canh trên vùng đất phèn nhiễm mặn của Chi cục Thủy sản tỉnh; Tham luận các biện pháp kỹ thuật phát triển nuôi tôm bền vững trên nền đất lúa của Trường ĐHCT và quan trọng nhất là những giải đáp thắc mắc, thảo luận của bà con nông dân và đại biểu tham dự. Đa số các ý kiến của nông dân chủ yếu xoay quanh các vấn đề về kỹ thuật xử lý gốc rạ ruộng nuôi, mật độ thả nuôi, chăm sóc và quản lý các yếu tố môi trường như màu nước, độ kiềm, pH, độ mặn trong quá trình nuôi.

Lương Nghĩa là xã vùng sâu của huyện Long Mỹ, chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên việc canh tác độc canh cây lúa đã cho hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người dân còn khó khăn nên bà con nông dân đã chuyển sang luân canh tôm lúa, đối tượng chủ yếu là tôm sú. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, năm 2017 diện tích nuôi tôm sú của toàn xã là 69,18 ha có 51 hộ nuôi. Để mô hình nuôi tôm luân canh trên ruộng lúa phát triển hiệu quả bền vững Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

  • Chuẩn bị ruộng nuôi đúng quy trình;
  • Chỉ thả giống khi độ mặn > 3 ‰ và thời gian mặn kéo dài từ 03 tháng trở lên; nên thả tôm post vào ao vèo 20 ngày đầu;
  • Mật độ < 1 con/m2; con giống có nguồn gốc rỏ ràng đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y;
  • Áp dụng hình thức nuôi quảng canh để chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên;
  • Áp dụng các biện pháp để hạn chế cá tạp đến mức thấp nhất (xác định tôm là sản phẩm chính);
  • Theo dõi chặt các chỉ tiêu môi trường và mật độ tảo để đảm bảo chất lượng nước và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm sinh trưởng tốt;
  • Trong quá trình nuôi cần định kỳ bổ sung khoáng chất và chế phẩm sinh học xử lý chất thải nền đáy ao, ruộng nuôi;
  • Nên thu tỉa tôm đạt cỡ thương phẩm bán trước để được giá cao.

Kết thúc tọa đàm GS. Tiến Sĩ Trần Ngọc Hải lưu ý một số vấn đề đối với bà con nuôi tôm trên ruộng: Trước hết nên nghiên cứu về mặt thuận lợi và điều kiện tự nhiên trong vùng, đặc biệt là nhu cầu của thị trường để chọn đối tượng thả nuôi phù hợp; nên chọn giống có kích cỡ tương đối lớn để nuôi nhằm rút ngắn thời gian nuôi, có thể tự ương hoặc mua giống oxy; trong quá trình nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế rong nhớt, chú ý mực nước trong ao, thường xuyên kiểm tra pH, độ mặn để có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra có thể xem xét đến các đối tượng thủy sản nước lợ có tiềm năng khác, điều quan trọng là làm sao để nâng cao được chất lượng và đáp ứng kịp thời mùa vụ./.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm

Hình. Bà Nguyễn Thị Thùy Lam - Phó Chi cục Trưởng  Chi cục Thủy sản trả lời câu hỏi của nông dân tại tọa đàm

Hình. GS.TS Trần Ngọc Hải - P. Trưởng Khoa Thủy sản, Trường ĐHCT báo cáo tham luận tại tọa đàm

Ảnh. Đ/c Nguyễn Hoàng Tâm - Chi cục Thủy sản Hậu Giang báo cáo kết quả triển khai dự án năm 2017 

Ngô Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc