19/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động khuyến nông trong nước
TX Long Mỹ: Khảo sát học tập mô hình ứng dụng kỹ thuật mới trên cây lúa và nấm rơm
 1049
 10/07/2018
Hình: Khảo sát mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính huyện Phú Tân

Hình: Khảo sát mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính huyện Phú Tân

Trong tháng 6, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ đã tổ chức đoàn khảo sát học tập các mô hình nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho 15 nông dân và cán bộ trên địa bàn, tại tỉnh An Giang, từ ngày 4 - 7/6/2018.

Cuộc khảo sát học tập nhằm tạo điều kiện cho nông dân và các bộ khuyến nông thị xã nắm bắt tiến bộ kỹ thuật mới, học tập chia sẽ kinh nghiệm với nông dân, hợp tác xã ngoài tỉnh.

Khảo sát mô hình trồng nấm rơm compost trong nhà tại xã An Hòa, huyện Châu Thành, An Giang.

Mô hình trồng nấm rơm cải tiến bằng compost trong nhà sẽ khắc phục điều kiện bất lợi của thời tiết như nắng nóng, mưa bão kéo dài, giảm thiểu tình trạng nấm dại trong quá trình thực hiện, ít rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế. Cứ bình quân mỗi túi compost cho năng suất từ 1,2 – 1,5 kg, sau thời gian 15 – 17 ngày là thu hoạch dứt điểm. Bình quân mỗi năm thực hiện từ 7 – 8 vụ. Để trồng lại vụ tiếp theo nên phơi nhà, xử lý bằng xà phòng và clorin trong vòng 10 – 15 ngày. Đây là mô hình cho năng suất cao hơn so với cách trồng truyền thống.

Hình: Mô hình trồng nấm rơm compost trong nhà huyện Châu Thành

Khảo sát mô hình cụm lò sấy với công suất 30 – 50 tấn/mẻ, huyện Phú Tân.

Theo ông Nguyễn Văn Nhơn chủ lò sấy xã Phú Xuân chia sẻ tổng chi phí đầu tư của lò sấy khoảng 300 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 75 triệu đồng phần còn lại hộ tham gia mô hình đối ứng. Ưu điểm lò sấy tĩnh vỉ ngang sẽ sấy được lúa có độ ẩm cao, thậm chí ướt sũng, sấy được lúa chạy mọng rất hiệu quả, góp phần giảm thiểu được tổn thất trong khâu làm khô lúa. Lò sấy tĩnh vỉ ngang sấy lúa đông xuân tiêu tốn nhiên liệu khoảng 40 kg trấu/giờ, thời gian sấy bình quân từ 14 - 20 giờ/mẻ. Với công suất lớn, lò sấy sẽ làm khô một lượng lúa đáng kể trong mùa thu hoạch rộ. Mô hình góp phần đáp ứng nhu cầu bức thiết sấy lúa tươi cho các thương lái, bởi bán sản phẩm ngay khi thu hoạch là hình thức tiêu thụ phổ biến của nông dân hiện nay.

Cũng tại huyện Phú Tân, đoàn khảo sát mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thượng, xã Phú Thành.

Đây là mô hình kết hợp giữa kỹ thuật 1 phải là phải sử dụng giống xác nhận và 5 giảm gồm: giảm lượng hạt giống, giảm phân đạm bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch đồng thời áp dụng kỹ thuật trồng lúa giảm phát khí thải nhà kính.

Mô hình giúp nông dân cải tiến việc quản lý các số liệu theo dõi mực nước, sinh trưởng, nông học và sâu bệnh trên ruộng lúa, giảm chi phí đầu tư, giảm ô nhiễm môi trường và tăng thêm thu nhập.

Hình: Đoàn tham quan mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, HTX NN Phú Thượng, xã Phú Thành

Qua cuộc khảo sát học tập các mô hình tại An Giang đã giúp cho nông dân được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả của tỉnh bạn. Giúp đội ngũ cán bộ Khuyến nông nâng cao kiến thức, học tập trao đổi và nắm bắt thông tin cần thiết để áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương.

Huỳnh Thị Hồng Quyên
Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc