28/03/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: Tổ chức Hội Nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023
 943
 06/01/2023

Ngày 06/01//2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp và PTNT.

Đến dự có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị, đại diện các Sở Công Thương, Sở Tài Chính, Khoa học Công nghệ, Chi cục Thống kê, Hội nông dân, Hội phụ nữ tỉnh, các đơn vị trực thuộc sở, ông Nguyễn Văn Đồng, Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng, Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Bí thư huyện Long Mỹ, lãnh đạo các phòng Kinh tế/ Nông nghiệp và PTNT huyện, thị, thành, Báo, Đài PTTH Hậu Giang, Báo Nông nghiệp Việt Nam, và trên 150 đại biểu, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở.

Tại hội nghị các đại biểu nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I 6.888 tỷ đồng, tăng 3,82% so với năm 2021. Xây dựng nông thôn mới tính đến nay có 03 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 37/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành 19/19 tiêu chí). Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 88,95 % (Kế hoạch 83,5%), tăng 5,95 % so với cùng kỳ (83,0%). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 3,1%, đạt 103,3% Kế hoạch, tăng 0,1% so với cùng kỳ.

Kết quả chỉ đạo sản xuất nông nghiệp: Cây lúa tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 188.357 ha, đạt 100,9% kế hoạch năm. Sản lượng ước đạt 1.253.944 tấn. Cây rau màu toàn tỉnh năm 2022 xuống giống được 28.028 ha, đạt 104,6% kế hoạch. Cây mía niên vụ mía 2021 – 2022: xuống giống được 3.842,2 ha, đạt 96,06% kế hoạch tỉnh (4.000 ha), giảm 23,76% so với cùng kỳ. Cây ăn trái tính đến nay, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt 45.131 ha, tăng 1.781 ha so với cùng kỳ 2021 (43.350 ha), đạt 100,29% so với kế hoạch năm 2022 (45.000 ha), sản lượng ước đạt 540.000 tấn, đạt 100 % so kế hoạch (540.000 tấn), tăng 7,45% so cùng kỳ. Diện tích cây có múi là 12.369 ha, xoài 3.037 ha, mít 9.972 ha, mãng cầu 685 ha, khóm 3.102 ha, còn lại cây ăn trái khác 15.966 ha.

Đàn gia súc, gia cầm ước tính, đàn heo 143.943 con, tăng 1,9% so với cùng kỳ; đàn trâu 1.427 con, tăng 2,14% so với cùng kỳ; đàn bò 3.527 con, tăng 2,83% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 4.272.569 con, tăng 2,02% so với cùng kỳ.

Thủy sản tổng diện tích thả nuôi thủy sản ước đạt 8.800 ha đạt 101,73% kế hoạch (8.650 ha) và đạt 108,64% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 83.800 tấn đạt 100,96% kế hoạch (83.000 tấn) và đạt 104,75% so cùng kỳ.

Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh có 04 liên hiệp HTX và 213 HTX nông nghiệp; 25 trang trại gồm 14 trang trại chăn nuôi, 03 trang trại thủy sản và 08 trang trại tổng hợp. Liên kết bao tiêu sản phẩm: Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia, như: Công ty Cổ Phần Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Trung An, Công ty Cổ phần giống cây trồng Miền Nam, Công ty Lương thực Sông Hậu, Tập Đoàn Lộc Trời,…

 Đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP, năm 2022 Hậu Giang đã công nhận 40 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số lên 145 sản phẩm OCOP. Hoàn thiện 5 hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin tuyên truyền tổ chức được 546 cuộc tập huấn nhanh cho bà con nông dân về các biện pháp quản lý dịch hại trong nông nghiệp với trên 13.824 lượt nông dân tham dự. Tổ chức 108 cuộc hội thảo, tọa đàm, tham quan và 239 cuộc tập huấn chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho 7.236 lượt nông dân tham dự.

Triển khai có hiệu quả nhiều mô hình khuyến nông từ nguồn kinh phí Trung ương, Ngân sách tỉnh và nguồn kinh phí cấp huyện, như: Các mô hình áp dụng tiêu chuẩn GLOBALGAP trên cây lúa, cây mít, mãng cầu xiêm; Mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; các mô hình liên kết chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh,...

Nhìn chung, công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được quán triệt và tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến các địa phương, góp phần đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra là cơ sở để tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP nông, lâm sản, thuỷ sản) khu vực I ước đạt 3,82%. Công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản và an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo thực hiện kịp thời và phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công tác giải ngân các chương trình, đề án được tập trung và đạt yêu cầu đề ra. Tổ chức bộ máy ổn định, công chức, viên chức toàn ngành bám sát nhiệm vụ được giao, đoàn kết tốt nội bộ, công tác cải cách hành chính luôn được quan tâm, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Ngoài ra, Ngành nông nghiệp và PTNT tổng kết phong trào thi đua năm 2022, công bố các quyết định khen thưởng các tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao và có những giải pháp, sáng kiến tốt góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội trong năm 2022. Qua đó phát động phong trào thi đua năm 2023 trong toàn ngành.

Bên cạnh kết quả đạt được ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2022, đặc biệt là các tham luận đề xuất các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2023, tỉnh Hậu Giang tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nhóm sản phẩm chủ lực, phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn an toàn, thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, sản xuất lúa với sản lượng 1,1 triệu tấn, cây ăn quả khoảng 585.000 tấn, nuôi thủy sản 9.100 ha, sản lượng 86.000 tấn. Duy trì đàn vật nuôi trên 4,5 triệu con, gồm gia cầm, thủy cầm, heo, trâu, bò, với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 40.000 tấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ông Tuyên đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm qua, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hậu Giang cần lưu ý tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giải pháp đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh. Đẩy mạnh giải pháp kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ và chế biến, chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Ưu tiên chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng mã số vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản.

Một số hình ảnh tại hội nghị

Lãnh đạo UBND tỉnh và Đại biểu tham dự Hội nghị

Lãnh đạo Chi cục Thú Y và Thuỷ sản phát biểu tham luận tại Hội nghị

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT phát biểu tham luận tại Hội nghị

Ông Nguyễn Văn Đồng - Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Chí Hùng - Bí thư huyện Long Mỹ, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị

Lãnh đạo UBND tỉnh tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu ý kiến chỉ đạo và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ ngành trong thời gian tới

 

Nguyễn Đăng Khoa
Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu giang

Ý kiến bạn đọc