25/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ĐBSCL họp trực tuyến với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản
 546
 18/08/2021
Hình: Giám đốc Sở Trần Chí Hùng phát biểu trong buổi hợp với Bộ Trưởng Lê Minh Hoan

Hình: Giám đốc Sở Trần Chí Hùng phát biểu trong buổi hợp với Bộ Trưởng Lê Minh Hoan

Ngày 17/8/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến qua phần mềm zoom với Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT 13 tỉnh ĐBSCL và Tổ công tác 970 về tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với sự tham dự của Lãnh đạo các Cục thuộc Bộ tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng thành viên Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và PTNT tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh.

Tại điểm cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang có sự tham dự của Ông Trần Chí Hùng Giám đốc Sở, Ông Đặng Ngọc Giao và Bà Nguyễn Thị Giang Phó Giám đốc Sở cùng thành viên Tổ công tác 450 Sở Nông nghiệp và PTNT (là Tổ công tác về liên kết, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản tại Hậu Giang).

Cuộc họp trực tuyến nhằm, thảo luận về những khó khăn và giải pháp để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách. Các vấn đề liên quan đến thu hoạch, vận chuyển, tình hình thương lái, hoạt động của các lò sấy, nhà máy trong bối cảnh ĐBSCL đang gấp rút thu hoạch vụ Hè Thu và gieo sạ vụ Thu Đông.

Tình hình hiện nay ở ĐBSCL, diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch là 690 nghìn ha đang ở giai đoạn đòng trổ và chín. Các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ước cả vụ đạt 1,510 triệu ha, năng suất 56,7 tạ/ha, sản lượng 8,6 triệu tấn. Lúa Thu Đông đã gieo sạ được 400 nghìn trong tổng số 700 nghìn ha kế hoạch đề ra, đạt 57%. Hoạt động sản xuất thủy sản ở 13 tỉnh ĐBSCL cơ bản vẫn đang duy trì, tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản vẫn ổn định. Toàn vùng chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Theo Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian này, Tổ đã kết nối được 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm. Trong đó, rau củ 317 đầu mối; trái cây 302 đầu mối; thủy hải sản - chăn nuôi 423 đầu mối; lương thực 72 đầu mối; các mặt hàng khác 52 đầu mối. Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: 365 hợp tác xã (chiếm 31,3%); 428 tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); 222 doanh nghiệp (19%); 97 cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), 8 ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%).

Trang web kết nông cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web. Có 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng gồm 1.009 đơn vị đăng ký bán (77,6%), 206 đơn vị đăng ký mua (15,8%), 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước (3,6%) và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân (3%).

Hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua Tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản có cải thiện tốt hơn từ sau hoạt động của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam trực tiếp chỉ đạo tại TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới việc xây dựng một kênh thông tin để kết nối giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các địa phương và doanh nghiệp là cần thiết và phải thực hiện thường xuyên, duy trì liên kết giữa các tỉnh và toàn vùng là phải chủ động và cập nhật thông tin mới hàng ngày để đảm bảo sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa được thông suốt. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú ý về chi phí sản xuất hiện nay chưa đồng đều ở các nơi, do đó công tác khuyến nông cần phải đều tay để giúp người dân giảm giá thành sản xuất như chi phí về vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật,…

Để chủ động ứng phó với sản xuất trong tình hình mới, thì việc sản xuất và kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doang nghiệp với người nông dân cũng cần đảm bảo 3 tại chổ đó là: Thông tin tại chỗ, hoạt động tại chỗ, tư duy tại chỗ. Việc này cần phải duy trì thực hiện trong thời gian tới, không chỉ khi có dịch mới thực hiện.

Bành Đức Tín
TTKN&DVNN Hậu Giang

Ý kiến bạn đọc