25/04/2024
Khuyến nông Hậu Giang đồng hành và phát triển cùng bà con nông dân!
 
Hoạt động ngành nông nghiệp
Thị xã Long Mỹ: Hội thảo đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020
 589
 24/07/2018
Hình: Toàn cảnh buổi hội thảo

Hình: Toàn cảnh buổi hội thảo

Ngày 13/7/2018, tại Hội trường UBND thị xã Long Mỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo triển khai xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 của tỉnh Hậu Giang.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh, các sở, ngành tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Khoa Phát triển nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ, bà Trần Diễm Thúy - PCT. TT HĐND, bà Nguyễn Kim Huyền - PCT.TT UBND thị xã, các ban, ngành, đoàn thể thị xã, lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách nông nghiệp, văn hóa ở các xã phường và các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tại đây, các đại biểu đã được nghe triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là chương trình OCOP); Kế hoạch về xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 của UBND tỉnh Hậu Giang.

Để thực hiện Đề án này thì theo đánh giá thị xã Long Mỹ có những thế mạnh là diện tích đất tự nhiên 14.400ha, trong đó đất nông nghiệp là 13.111,44ha. Những năm qua thị xã đã tập trung sản xuất những cây có lợi thế và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương với 4 loại sản phẩm chủ lực: lúa, quýt đường, bưởi da xanh ruột hồng và nấm rơm. Trong đó: tổng sản lượng lúa trên địa bàn thị xã là 132.000 tấn, tổng doanh thu bình quân là 660.000 triệu đồng/năm; quýt đường 1.400 tấn, doanh thu bình quân 42 tỷ đồng/năm; cây bưởi 1750 tấn, tổng doanh thu bình quân là 52,5 tỷ đồng và nấm rơm là 100 tấn/năm, tổng doanh thu bình quân là 3,5 tỷ đồng. Mặc dù quýt đường và bưởi cho thu nhập cao và đã có thương hiệu, tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp hạn chế là một số diện tích bị bệnh vàng lá thối rễ, chưa có doanh nghiệp bao tiêu; diện tích sản xuất nấm rơm còn nhỏ lẻ chưa tập trung nên việc đăng ký chưa thực hiện được.

Trước thực trạng này, thời gian tới thị xã đã có những định hướng phát triển cho chương trình mỗi xã một sản phẩm tại địa phương như: Tiếp tục thực hiện dự án phục hồi và nâng cao chất lượng quýt đường giai đoạn 2018 - 2020, đồng thời nhân rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng với bưởi và nấm rơm kết hợp với các đơn vị ngoài thị xã hợp đồng bao tiêu với người dân, đăng ký nhãn hiệu và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tỉnh tổ chức tập huấn và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm; chọn xã, phường có sản phẩm chủ lực mang đặc trưng và thế mạnh để xây dựng phát triển theo chuỗi giá trị, từ đó, tạo động lực cho thị xã Long Mỹ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trần Thanh Tùng
Tổ kỹ thuật phường Bình Thạnh , thị xã Long Mỹ

Ý kiến bạn đọc